Dịch đau mắt đỏ và cách phòng tránh

08:09, 27/09/2013

Trong những ngày qua, trên địa bàn tỉnh, số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đã tăng lên đột biến. Theo tin từ Bệnh viện Mắt tỉnh, số lượng bệnh nhân tới khám mắt tại bệnh viện những ngày qua tăng cao, trung bình một ngày bệnh viện tiếp nhận từ 90 đến 150 người bệnh đến khám, trong số đó có khoảng từ 35-50% trường hợp là đau mắt đỏ.

Bệnh đau mắt đỏ là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh rất dễ lây lan trong cộng đồng và phát triển thành dịch. Bệnh lây lan từ người này sang người khác do tác nhân gây bệnh lan truyền qua vật dụng sinh hoạt như dùng chung khăn, chậu rửa mặt; bệnh nhân dụi mắt và cầm nắm vào đồ vật lây lan cho những người dùng chung đồ vật đó; lây truyền qua đường nước bọt do nước mắt mang mầm bệnh sau khi làm nhiệm vụ dinh dưỡng, bôi ướt bề mặt kết, giác mạc sẽ đi vào hệ thống lệ quản xuống mũi, họng. Tiếp xúc với bệnh nhân khi nói chuyện sẽ làm phát tán mầm bệnh; lây truyền qua môi trường bể bơi hay ở những nơi công tác vệ sinh kém, đặc biệt, bệnh lây lan nhanh trong môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ. Bệnh đau mắt đỏ thường khỏi sau 7-10 ngày điều trị, tuy nhiên trong một số ít trường hợp có thể xảy ra biến chứng như viêm giác mạc chấm nông làm kéo dài ngày điều trị và ảnh hưởng đến thị lực người bệnh.

Bệnh viện Mắt tỉnh khuyến cáo, để phòng bệnh, cần giữ vệ sinh đôi mắt, tuyệt đối không dùng khăn bẩn, tay bẩn lau dụi mắt; cần giữ vệ sinh tay sạch sẽ bằng cách rửa xà phòng; tránh tiếp xúc và sử dụng chung đồ dùng như khăn, chậu với người bệnh. Tại các trường học, nhà trẻ, học sinh bị đau mắt đỏ cần được nghỉ ở nhà điều trị. Người dân có thể sử dụng dung dịch nước muối sinh lý Natri Clorid 0,9% tra nhỏ mắt khi chưa mắc bệnh. Khi đã mắc bệnh, những người mắc bệnh cần có ý thức phòng tránh lây nhiễm cho người khác như hạn chế đến chỗ đông người, đeo kính, khẩu trang, dùng chung đồ dùng, khăn, chậu rửa mặt… Người bị bệnh cần đến khám ngay tại các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán và điều trị, khám chuyên khoa Tai Mũi Họng khi có thêm những biểu hiện của viêm đường hô hấp trên như ho, sốt, chảy nước mũi… Tuyệt đối không được sử dụng một số loại thuốc có chứa Corticoit như Clorocid H1%, Dexaclor… nếu không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mắt; không được dùng lá trầu không để đắp hay xông lên mắt để phòng tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra.

Để ngăn chặn, phòng ngừa bệnh bùng phát lây lan rộng, gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh, ngành Y tế và ngành GD và ĐT cần phối hợp chỉ đạo các trường học phối hợp với phụ huynh học sinh trong phòng bệnh. Phác đồ điều trị bệnh và các tờ hướng dẫn cách phòng bệnh cần được ngành GD và ĐT và các nhà trường cập nhật, phổ biến và dán ngay trước cổng trường - nơi phụ huynh học sinh dễ nhìn thấy nhất. Đồng thời, các nhà trường cũng cần tăng cường tuyên truyền về nguy hại của dịch bệnh đến các bậc phụ huynh; tăng cường vệ sinh lớp học để kiểm soát dịch đau mắt đỏ./.

Minh Thuận
(Theo Tài liệu của Bệnh viện Mắt tỉnh)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com