Khó khăn trong công tác quản lý người nhiễm HIV/AIDS ở Thành phố Nam Định

08:08, 28/08/2013

Theo số liệu của Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh, đến ngày 30-6-2013, trên địa bàn Thành phố Nam Định có 1.958 người nhiễm HIV/AIDS, chiếm gần 50% số người có HIV trên địa bàn tỉnh, trong đó 805 người chuyển sang giai đoạn AIDS, 489 người tử vong do AIDS. Tuy nhiên Trung tâm Y tế thành phố mới chỉ quản lý được 1.060 người nhiễm HIV/AIDS.

Thạc sĩ Trần Thị Thu Thủy, Trưởng Khoa Kiểm soát dịch bệnh (Trung tâm Y tế thành phố) cho biết, hiện ở cả 25 phường, xã của thành phố đều có người nhiễm HIV. Công tác thông tin, giáo dục truyền thông thay đổi hành vi, quản lý người nhiễm HIV ở tuyến cơ sở chủ yếu do nhóm cán bộ chuyên trách HIV/AIDS và các cộng tác viên (CTV) đảm nhiệm, giám sát, quản lý, báo cáo và chăm sóc bệnh nhân tại nhà. Trong năm 2012 và 7 tháng đầu năm 2013 đã tổ chức tuyên truyền phòng, chống HIV/AIDS trên các phương tiện thông tin đại chúng ở các phường, xã và truyền thông trực tiếp cho các đối tượng nguy cơ cao, phát hàng nghìn tờ rơi, tài liệu tuyên truyền về tác hại của HIV; tổ chức truyền thông trực tiếp cho gần 5.800 lượt người nghiện chích ma tuý (NCMT), hơn 500 lượt người bán dâm, tiếp viên nhà hàng và gần 2.300 lượt người nhiễm HIV và gia đình có người nhiễm, 442 lượt người di biến động... Chương trình can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV thuộc các dự án WB, Quỹ Toàn cầu, Life-Gape… được triển khai trên địa bàn thành phố thông qua các nhóm CTV và tuyên truyền viên đồng đẳng (TTVĐĐ) đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tác hại của đại dịch HIV/AIDS đối với cộng đồng. Các CTV, TTVĐĐ đã tích cực tuyên truyền, duy trì các hoạt động: phát bao cao su (BCS), bơm kim tiêm (BKT) sạch miễn phí tới người có nguy cơ cao; riêng 6 tháng đầu năm 2013 đã can thiệp giảm tác hại cho 830 lượt người, các nhóm đối tượng. Thông qua đội ngũ CTV, TTVĐĐ và nhà thuốc Trung tâm Y tế thành phố đã góp phần giảm thiểu số người bị lây nhiễm HIV/AIDS. Trung tâm Y tế thành phố còn phối hợp các dự án Life-Gape, Quỹ Toàn cầu, dự án phòng lây nhiễm HIV của WB với chương trình phòng, chống HIV/AIDS quốc gia, đã tổ chức điều trị nhiễm trùng cơ hội cho trên 200 lượt người mắc HIV/AIDS, điều trị ARV cho 169 người bị AIDS đạt kết quả tốt. Đến thời điểm này, trên địa bàn thành phố đã có trên 300 người nghiện ma túy được điều trị thay thế bằng Methadone.

Bệnh nhân đến uống thuốc tại cơ sở Methadone Thành phố Nam Định.
Bệnh nhân đến uống thuốc tại cơ sở Methadone Thành phố Nam Định.

Mặc dù việc xây dựng, duy trì mạng lưới phòng, chống HIV/AIDS khá hiệu quả nhưng công tác quản lý người nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn thành phố còn nhiều khó khăn. Hiện, thành phố mới có 1 phòng Tư vấn xét nghiệm tự nguyện đặt tại Trung tâm Y tế thành phố thường xuyên tiếp nhận những đối tượng nghi nhiễm HIV/AIDS đến xét nghiệm. Trong năm 2012 có 662 lượt người được tư vấn trước xét nghiệm, trong đó 655 người đã xét nghiệm và số người có HIV là 41 người; 6 tháng đầu năm 2013, có 152 người đến tư vấn và xét nghiệm tự nguyện, trong đó 3 trường hợp có kết quả dương tính với HIV. Do đa phần những người muốn tư vấn, xét nghiệm đều trong tâm trạng nghi ngờ, hoang mang, không thông tin tên tuổi, địa chỉ thật nên khi cần tư vấn, can thiệp rất khó tiếp cận. Mặt khác, trên thực tế việc quản lý bệnh nhân HIV/AIDS liên quan chặt chẽ tới công tác chăm sóc, điều trị và dự phòng lây nhiễm nên việc khai sai tên, địa chỉ đã gây khó khăn cho công tác quản lý. Mặc dù, đội ngũ CTV, TTVĐĐ đã được đào tạo kiến thức và kỹ năng thực hành phòng, chống HIV/AIDS, được cung cấp đồng phục và công cụ hoạt động, được đào tạo, hỗ trợ tập huấn để có thể tiếp cận được các đối tượng mại dâm, ma túy để truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS nhưng do những người nhiễm HIV tự kỳ thị nên thường giấu tên, giấu bệnh, ngại tiếp xúc, cũng hạn chế hoạt động của đội ngũ CTV, TTVĐĐ. Mặt khác các đối tượng nguy cơ cao thường xuyên di biến động nên khó khăn trong quá trình tiếp cận. Trong nhiều trường hợp, để xác minh đối tượng có HIV, ngoài nhiệm vụ của lực lượng cán bộ chuyên trách và CTV, còn cần sự nhiệt tình cộng tác của chính những người có HIV trong việc rà soát, tiếp cận, tuyên truyền kiến thức về HIV/AIDS trong cộng đồng. Mặt khác, việc tập trung nhóm TTVĐĐ để tổ chức sinh hoạt cũng khó khăn, nên ảnh hưởng đến công tác tuyên truyền. Ngoài ra, nhiệm vụ này được triển khai bởi các dự án nên khi một số nguồn hỗ trợ để các CTV chăm sóc, hỗ trợ người nhiễm HIV từ một số chương trình, dự án bị cắt giảm cũng gây khó khăn cho công tác phòng, chống HIV/AIDS và quản lý người nhiễm HIV.

Hướng tới mục tiêu không còn người nhiễm mới HIV, công tác phòng, chống HIV/AIDS ở Thành phố Nam Định đang tập trung vào việc nâng cao hiệu quả công tác truyền thông nhằm thay đổi nhận thức và hành vi, thực hiện hành vi an toàn dự phòng lây nhiễm HIV, nâng cao chất lượng và tăng cường tuyên truyền các dịch vụ dự phòng, chăm sóc, hỗ trợ và điều trị HIV/AIDS, đồng thời cũng tăng cường sự hỗ trợ của gia đình, xã hội đối với người nhiễm HIV/AIDS…

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com