Hiệu quả Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới tài trợ

08:08, 12/08/2013

Tỉnh ta là một trong hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước được chọn tham gia Dự án phòng, chống HIV/AIDS do Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ (từ năm 2006). Mục tiêu của dự án nhằm khống chế tỷ lệ nhiễm HIV trong cộng đồng đến năm 2020 dưới mức 0,3% tổng dân số toàn tỉnh; hạn chế tốc độ lây truyền HIV/AIDS trong nhóm đối tượng nguy cơ cao; làm chậm quá trình phát triển HIV thành AIDS; làm giảm tác hại của HIV/AIDS đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Để đạt được mục tiêu, Dự án triển khai nhiều chương trình hoạt động đồng bộ từ công tác truyền thông, đến các hoạt động can thiệp nghiệp vụ…, trong đó nội dung trọng tâm là chương trình can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV cho đối tượng nghiện chích ma túy (NCMT) và phụ nữ mại dâm (PNMD).

Tuyên truyền viên đồng đẳng phát BKT sạch cho đối tượng NCMT tại một xã của huyện Trực Ninh.
Tuyên truyền viên đồng đẳng phát BKT sạch cho đối tượng NCMT tại một xã của huyện Trực Ninh.

Tính đến hết 31-3-2013, trên địa bàn tỉnh phát hiện 4.680 người nhiễm HIV, 2.315 người mắc bệnh AIDS, 1.183 người tử vong vì AIDS. Cả 10 huyện, thành phố và ở 220/229 xã, phường, thị trấn hiện có HIV. Qua giám sát cho thấy có tới 59,8% người nhiễm HIV là người NCMT và PNMD... Từ khi triển khai dự án đến nay, đã tổ chức nhiều chương trình thông tin, giáo dục truyền thông cho hàng nghìn đối tượng NCMT, các đối tượng có nguy cơ cao và cộng đồng dân cư thông qua mạng lưới cộng tác viên (CTV), giáo dục viên đồng đẳng và thông qua việc phối hợp với các ban, ngành trực tiếp thực hiện các hoạt động truyền thông bằng các hình thức nói chuyện, tổ chức văn nghệ, truyền thông lưu động, phát tờ rơi các kiến thức về phòng, chống HIV, can thiệp giảm tác hại, chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS... Các hoạt động trên đã góp phần tuyên truyền cho đối tượng NCMT, PNMD và người dân các địa phương nằm trong dự án hiểu biết về cách phòng tránh HIV/AIDS và các vấn đề liên quan đến HIV/AIDS, từ đó, làm thay đổi hành vi của các nhóm có nguy cơ cao và cộng đồng; xây dựng môi trường cộng đồng hài hoà cho những người bị nhiễm HIV/AIDS; nâng cao trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và của chính những người bị nhiễm HIV/AIDS đối với gia đình và xã hội; tăng cường sự tham gia của cộng đồng đối với các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Chương trình can thiệp giảm tác hại dự phòng lây nhiễm HIV trong nhóm NCMT và PNMD được tập trung vào 4 nội dung chính: Tổ chức và phát triển mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng; tiếp cận truyền thông, phân phát và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm (BKT) sạch cho nhóm NCMT; tiếp cận truyền thông, phân phát và hướng dẫn sử dụng bao cao su (BCS) cho nhóm PNMD và nữ tiếp viên làm việc tại các cơ sở kinh doanh các dịch vụ giải trí có nguy cơ cao; tổ chức các điểm điều trị thay thế các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone. Trong 7 năm thực hiện dự án, hầu hết các huyện, thành phố tham gia chương trình đã phân phát BKT sạch đến tận đối tượng thông qua mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng, CTV xã, phường, CTV nhà thuốc, trạm y tế xã, các cơ sở dịch vụ y tế... Chương trình BCS cũng được triển khai ở tất cả các địa bàn “điểm nóng” về hoạt động mại dâm trên địa bàn tỉnh. Qua các hoạt động của chương trình can thiệp giảm tác hại, đã đạt được độ bao phủ về địa bàn can thiệp trên nhóm NCMT ở cả tuyến huyện và tuyến xã trong năm đầu triển khai dự án ở mức dưới 20% và tăng dần trong các năm sau. Đến nay, độ bao phủ về địa bàn tại tỉnh ta đã đạt mức 57% số xã và 70% số huyện, thành phố. Độ bao phủ về quần thể can thiệp ở cả 2 nhóm NCMT và PNMD tuy có dao động qua các năm, nhưng tỷ lệ trung bình trong 7 năm đã đạt trên 89% (nhóm PNMD đạt 92%). Đến thời điểm kết thúc dự án (năm 2012), độ bao phủ ở cả 2 nhóm NCMT và PNMD đạt chỉ tiêu trên 80%. Nhờ các biện pháp can thiệp hiệu quả, nội dung này tiếp tục được thực hiện đến tháng 6-2013, tỷ lệ người NCMT sử dụng BKT sạch tăng từ 77,4% (năm 2007) lên trên 90%, tỷ lệ sử dụng BCS trong nhóm PNMD từ 75,7% (năm 2010) tăng lên 86,7%. Trong thời gian thực hiện dự án đã hình thành được đội ngũ giáo dục viên đồng đẳng nhóm NCMT và PNMD ở hầu hết địa bàn các xã, phường với chất lượng hoạt động ngày càng được củng cố, ổn định. Dự án đã phát được trên 7 triệu BKT sạch và 2,3 triệu BCS. Đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2013 đã tiếp cận truyền thông cho 3.256 đối tượng NCMT và cấp phát được 350 nghìn BKT sạch. Chương trình điều trị thay thế nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone cũng được các cơ sở điều trị của dự án tổ chức tại 2 huyện Giao Thủy và Xuân Trường từ tháng 7-2011. Đến nay, tổng số người NCMT đã được điều trị tại 2 cơ sở ở 2 huyện là 500 người trong số trên 700 người NCMT có nhu cầu điều trị. Năm 2013, dự án sẽ ưu tiên can thiệp cho nhóm NCMT tại 7 huyện, thành phố gồm: Nam Định, Xuân Trường, Trực Ninh, Nam Trực, Giao Thuỷ, Hải Hậu, Nghĩa Hưng; nhóm PNMD tại 2 khu du lịch biển: Quất Lâm, Thịnh Long. Nội dung can thiệp gồm truyền thông thay đổi hành vi; trao đổi BKT sạch, tiếp thị xã hội BCS, điều trị thay thế Methadone; theo dõi, giám sát và nâng cao năng lực cho đội ngũ thực hiện dự án. Hiệu quả thực hiện dự án đến nay, tỷ lệ người nhiễm HIV mới đã giảm dần qua các năm (năm 2006 phát hiện được 506 trường hợp, năm 2011 là 255 trường hợp và 10 tháng đầu năm 2012 là 243 trường hợp). Số tử vong do AIDS cũng giảm dần qua các năm (năm 2006 là 153 trường hợp, năm 2011 là 69 trường hợp và năm 2012 là trên 60 trường hợp). Ngoài ra, trong thời gian thực hiện dự án đã phát triển được mạng lưới giáo dục viên đồng đẳng trong nhóm NCMT và PNMD tại các địa bàn trọng điểm và đã có những đóng góp quan trọng trong hoạt động tiếp cận truyền thông, phân phát BKT sạch và BCS cho các đối tượng. Dự án cũng đã tổ chức thành công 6 diễn đàn tuyên truyền viên đồng đẳng, 6 hội thảo về chương trình can thiệp giảm tác hại cho đối tượng NCMT, 2 hội thảo về “chương trình 100% BCS” với sự tham gia của hàng nghìn lượt tuyên truyền viên, góp phần làm giảm sự phân biệt và kỳ thị có liên quan đến HIV/AIDS trong cộng đồng. Ngoài việc góp phần làm giảm tỷ lệ nhiễm HIV và thay đổi hành vi nguy cơ của nhóm đối tượng NCMT, PNMD và các đối tượng nguy cơ cao theo hướng tích cực, dự án còn để lại nhiều kinh nghiệm trong việc tiếp nhận, tổ chức triển khai các dự án về an sinh xã hội.

Năm 2013 tỉnh ta được gia hạn triển khai thêm các hoạt động can thiệp giảm tác hại, dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS cho các nhóm đối tượng NCMT, PNMD (bao gồm hoạt động của CTV, giáo dục viên đồng đẳng điều trị thay thế Methadone) đến hết 30-6-2013 và từ 01-7-2013 bàn giao cho dự án Quỹ Toàn cầu. Dự án kết thúc vào 31-12-2013, sau đó các chương trình hoạt động sẽ được bàn giao cho dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và chương trình mục tiêu quốc gia. Trước tình hình lây nhiễm HIV/AIDS tiếp tục phức tạp, khó kiểm soát như hiện nay, Sở Y tế cần phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành và các cơ quan liên quan chỉ đạo, triển khai mở rộng các hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, nâng cao ý thức phòng chống HIV/AIDS cho cộng đồng và chống kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, đẩy mạnh công tác dự phòng và chăm sóc, điều trị người nhiễm HIV/AIDS tại cộng đồng./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com