Cần có hiểu biết khi sử dụng thực phẩm chức năng

06:08, 02/08/2013

Nghe nhiều người mách về hàng "xách tay" nước quả Noni của Mỹ, một loại thực phẩm chức năng (TPCN) có thể chữa được bách bệnh, chị P. ở phường Cửa Bắc (TP Nam Định) mua về dùng thử với hy vọng cải thiện được tình trạng của đứa con 3 tuổi kém ăn và cứ trái gió, trở trời lại bị viêm đường hô hấp. Sau đợt uống đầu tiên, cháu có những biểu hiện khả quan hơn về sức khỏe, ăn uống cũng khá hơn, nhưng càng dùng thì càng phải uống tăng liều, trong khi chi phí để mua loại TPCN này là không hề rẻ. Còn chị T. ở phố Hai Bà Trưng (TP Nam Định) cho biết, vì con nhỏ lười ăn nên chị cho con uống TPCN để cháu ăn nhiều hơn. Có người bà con đi Thái Lan về cho chị mấy lọ TPCN nước cốt gà nhãn hiệu Brand’s, nghe nói rất bổ dưỡng cho trẻ nhỏ và phụ nữ sau sinh. Vì là hàng “xách tay”, mọi thông tin hướng dẫn sử dụng đều là chữ Thái, nên chị không biết liều dùng và cách dùng ra sao.

Hai trường hợp trên cho thấy người tiêu dùng cần có sự hiểu biết khi sử dụng TPCN và các cấp, các ngành chức năng cũng cần quản lý chặt chẽ thị trường TPCN. Hiện nay, các hiệu thuốc và các cửa hàng mỹ phẩm đều bày bán rất nhiều loại TPCN khiến người tiêu dùng lúng túng, khó xác định giá trị thật của từng loại. Các loại TPCN được bán trên thị trường rất đa dạng, phong phú, từ những loại TPCN được bổ sung vào thực phẩm dùng hằng ngày như: muối bổ sung iốt để phòng, chống các rối loạn do thiếu iốt, nước mắm bổ sung chất sắt để phòng, chống thiếu máu do thiếu sắt, sữa bổ sung vitamin D để tăng hấp thu canxi, dầu ăn bổ sung vitamin A để phòng ngừa thiếu vitamin A… đến một số TPCN hỗ trợ điều trị bệnh, bổ sung dinh dưỡng được bào chế dưới dạng viên, gói dễ bị hiểu lầm là thuốc. Thực tế TPCN chỉ có tính chất hỗ trợ tăng cường sức khỏe chứ không phải thuốc nhưng không ít người dùng TPCN để thay thế thuốc trị bệnh dẫn đến hậu quả bệnh ngày càng trầm trọng do không được chữa trị đúng cách. Để sử dụng TPCN đúng cách, đảm bảo tăng cường sức khỏe cho người sử dụng, người tiêu dùng cần tham khảo ý kiến bác sĩ, đồng thời có chế độ ăn uống, sinh hoạt phù hợp để hấp thu hết tác dụng của TPCN, không nên lạm dụng TPCN và dùng như thuốc chữa bệnh mà cần có hiểu biết đúng, đầy đủ về TPCN khi sử dụng. Một vấn đề nữa đặt ra, trong khi nhiều người tiêu dùng thiếu hiểu biết đầy đủ về TPCN, chủ yếu phụ thuộc vào quảng bá của người bán, thì họ lại dễ bị “cám dỗ” bởi các chiêu thức quảng cáo khiến loại hàng này bị lạm dụng như một thứ “thần dược”, dễ gây hiểu lầm trong khi TPCN khó kiểm soát như hiện nay. TPCN cũng đã bị ngành Y tế quy định cấm kê trong đơn thuốc (do chi phí quá đắt người bệnh dễ hiểu nhầm đó cũng là một loại thuốc). Do vậy, trước khi quyết định sử dụng TPCN, người tiêu dùng cần xem xét cả ba tiêu chí về chất lượng, hiệu quả và độ an toàn khi sử dụng, nhất là phải hỏi ý kiến các nhà chuyên môn. Cùng với việc nâng cao hiểu biết của người dân về sử dụng TPCN, Chi cục ATVSTP tỉnh cần phối hợp với các trung tâm y tế, phòng y tế trên địa bàn tỉnh kiểm tra các cơ sở kinh doanh TPCN, đồng thời kết hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TPCN cho người dân, hướng dẫn các quy định về kinh doanh TPCN cho chủ cơ sở và nhân viên bán hàng./.

Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com