Bệnh tay - chân - miệng là một trong số các bệnh truyền nhiễm gây dịch, có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não - màng não, viêm cơ tim, phù phổi cấp và dẫn tới tử vong nếu không được phát hiện sớm và chữa trị đúng cách, kịp thời. Mọi lứa tuổi đều có thể mắc bệnh tay - chân - miệng, nhưng thường gặp ở trẻ dưới 15 tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi có tỷ lệ mắc cao hơn. Năm 2012, cả nước ghi nhận trên 103 nghìn trường hợp mắc bệnh tay - chân - miệng; trong đó tại tỉnh ta có 507 trường hợp.
Khám bệnh cho bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi tỉnh. |
Để chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng, ngay từ đầu năm, Sở Y tế đã chỉ đạo hệ điều trị và hệ dự phòng tích cực giám sát, phát hiện, thu dung và điều trị bệnh nhân mắc bệnh tại địa phương; phối hợp với các ngành như: Sở GD và ĐT, Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định... đẩy mạnh công tác tuyên truyền các biện pháp phòng, chống; triển khai các hoạt động giám sát, xét nghiệm; tổ chức kiểm tra và hỗ trợ công tác giám sát và phòng, chống dịch bệnh tay - chân - miệng tại các địa phương có bệnh nhân… Đặc biệt Sở Y tế đã phối hợp với Sở GD và ĐT triển khai các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng trong các nhà trường như: Phát hiện sớm các trường hợp mắc để xử lý và điều trị kịp thời; cách ly ngay các trường hợp mắc, không để lây lan ra cộng đồng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường, nâng cao thể trạng. Tại cơ sở giáo dục, trẻ mắc bệnh không đến lớp ít nhất 10 ngày kể từ khi khởi bệnh và chỉ đến lớp khi hết loét miệng và các phỏng nước. Khi có từ 2 trẻ trở lên trong một lớp mắc bệnh trong vòng 7 ngày, thì cho lớp nghỉ học 10 ngày kể từ ngày khởi bệnh của ca cuối cùng để cắt đứt đường lây truyền. Làm sạch các dụng cụ, vật dụng trẻ thường xuyên cầm, nắm, vệ sinh nhà bằng nước và xà phòng, sau đó lau bằng Cloramin B 0,5%… Nhờ vậy, bệnh tay - chân - miệng đã từng bước được khống chế, đẩy lùi. Trong 6 tháng đầu năm 2013 toàn tỉnh chỉ phát hiện được 6 ca nghi mắc bệnh tay - chân - miệng.
Từ nay đến cuối năm, ngành Y tế đặt mục tiêu giảm 10% số người mắc bệnh tay - chân - miệng so với năm 2012; trên 90% số trường hợp mắc bệnh đầu tiên tại mỗi ổ dịch được phát hiện và điều trị kịp thời; trên 80% nhà trẻ, mẫu giáo được giám sát thường xuyên, phát hiện và cách ly, điều trị kịp thời các trường hợp mắc và nghi ngờ mắc bệnh, đồng thời được phổ biến kiến thức và hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh tay - chân - miệng; trên 80% số hộ gia đình có trẻ dưới 5 tuổi được tuyên truyền về phòng, chống bệnh tay - chân - miệng; trên 80% cán bộ làm công tác phòng, chống dịch tuyến huyện, xã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn, kỹ năng giám sát, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch; trên 80% cán bộ y tế trường học được tập huấn chuyên môn giám sát, phát hiện và báo cáo, xử lý ổ dịch tay - chân - miệng. Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Y tế tiếp tục tăng cường giám sát, phát hiện sớm ca bệnh tại các nhà trẻ, mẫu giáo và các cơ sở điều trị để điều tra, xử lý và cách ly kịp thời, không để dịch lan rộng. Phối hợp với ngành GD và ĐT trong công tác tuyên truyền, giám sát và phát hiện bệnh cũng như triển khai các biện pháp phòng, chống dịch tại các cơ sở giáo dục. Triển khai các hoạt động giám sát và xử lý triệt để ổ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Chuẩn bị cơ số thuốc, hóa chất, vật tư phòng, chống dịch để hỗ trợ các địa phương khi có dịch xảy ra. Phối hợp với Báo Nam Định, Đài PT-TH tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm cung cấp kiến thức giúp người dân chủ động phòng, chống bệnh tay - chân - miệng tại cộng đồng. Trung tâm YTDP tỉnh tổ chức thực hiện việc giám sát, xử lý ổ dịch triệt để, không để dịch lan rộng, kéo dài; thường xuyên báo cáo Sở Y tế về diễn biến tình hình dịch bệnh và tham mưu công tác phòng, chống dịch tại địa phương; phối hợp với ngành GD và ĐT tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, làm sạch nền nhà, bề mặt bàn ghế, đồ chơi, vật dụng của trẻ trong các hộ gia đình, nhóm trẻ tập trung, nhà trẻ, mẫu giáo bằng nước xà phòng, hóa chất khử khuẩn thông thường hoặc Cloramin B. Thống kê, phân tích đặc điểm dịch tễ, các yếu tố nguy cơ để tập trung phòng, chống dịch có hiệu quả; tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương về công tác giám sát và phòng, chống bệnh tay - chân - miệng. Các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh chuẩn bị sẵn sàng cơ số thuốc, phương tiện cấp cứu, điều trị... để kịp thời chẩn đoán, thu dung và điều trị bệnh nhân; đặc biệt chú trọng phân tuyến điều trị, bảo đảm thu dung, điều trị bệnh nhân trong trường hợp xảy ra dịch lớn; thành lập đội cấp cứu lưu động, sẵn sàng hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị; cử cán bộ chuyên môn hỗ trợ các địa phương xảy ra dịch theo sự điều động của Sở Y tế; tổ chức tập huấn cho các đơn vị, địa phương về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh tay - chân - miệng; nghiêm túc thực hiện chế độ thông tin, báo cáo dịch theo Thông tư số 48/2010 ngày 31-12-2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế./.
Bài và ảnh: Minh Thuận