Gần đây các trường hợp trẻ em được cấp cứu do bị tai biến bởi thức ăn gây ra ngày càng nhiều. Vì vậy, việc lựa chọn thức ăn cho trẻ là một công việc vô cùng quan trọng và đòi hỏi cha mẹ có kiến thức.
Thực phẩm gây nguy hại cho trẻ nhỏ do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ kỹ năng nhai và nuốt, trẻ bị mất một số răng cần thiết cho sự nhai, thực phẩm gây dị ứng, thực phẩm có chứa vi sinh vật gây hại...
Nhiều loại thức ăn gây nghẹt thở
Do trẻ nhỏ chưa phát triển đầy đủ các kỹ năng nhai, nuốt nên cần phải tránh những loại thực phẩm cứng và tròn vì chúng có thể bị kẹt lại ở cổ họng. Những loại thực phẩm này bao gồm nho nguyên trái, nho khô, cà rốt sống, táo, lê, cốm bắp rang, kẹo cứng; hoặc là những thực phẩm đặc sệt như bơ đậu phộng hoặc là vài loại bột ngũ cốc. Cà rốt, táo và những dạng tương tự có thể cho trẻ ăn với điều kiện là phải được nấu mềm hoặc bào nhuyễn. Bột ngũ cốc phải pha nhiều nước hoặc sữa để làm cho nước bột loãng hơn. Khi trẻ nhỏ ăn, không bao giờ để trẻ ăn một mình vì cho dù thực phẩm được cho là an toàn cũng có thể gây ngạt thở. Không để trẻ em vừa chạy nhảy, chơi đùa, vừa ăn uống.
Cha mẹ cần thận trọng tron việc lựa chọn thức ăn cho trẻ. |
Nhiều loại thực phẩm gây dị ứng cho trẻ nhỏ
Trẻ em có hệ miễn dịch chưa được củng cố nên dễ dàng bị dị ứng với thực phẩm. Có nhiều trẻ nhỏ, một khi bị dị ứng với một loại thực phẩm nào đó thì có khi bị đến suốt cuộc đời dù rằng sau này hệ miễn dịch đã được hoàn thiện. Những loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ bao gồm:
Trẻ em 8 tháng: thịt, lòng đỏ trứng, các sản phẩm chế biến từ đậu nành.
Trẻ em 9 tháng: phô mai, sữa, các loại rau đậu.
Trẻ em 1 tuổi: lòng trắng trứng, cá, cà chua, các trái citrus (như chanh, quít, cam, bưởi), dâu tây...
Trong đó, các loại thực phẩm như chocolate, hải sản, mật ong, đậu phộng và các loại sản phẩm làm từ đậu phộng cần phải đợi cho trẻ em đủ lớn rồi mới cho ăn vì đây là những loại thực phẩm có thể dẫn tới những phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Nếu bệnh sử gia đình có người dị ứng với các loại thực phẩm này thì phải càng thận trọng. Riêng mật ong tuyệt đối không bao giờ cung cấp cho trẻ em dưới 1 tuổi vì sẽ bị ngộ độc clostridium botulinum. Trước 1 tuổi, bộ máy tiêu hóa của trẻ em chưa đủ trưởng thành để ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn clostridium botulinum. Không riêng mật ong nguyên chất mà tất cả các loại thực phẩm có chứa mật ong không bao giờ được cung cấp cho trẻ em dưới 1 tuổi.
Thức ăn đồ uống có hàm lượng nitrates cao
Các nitrates trong thực phẩm có thể bị chuyển thành nitrites nếu điều kiện bảo quản, vận chuyển, phân phối không thích hợp. Những thực phẩm “tai tiếng nhất” bao gồm củ dền, cà rốt, rau dền tây, một số loại rau cải xanh... hoặc là những loại thực phẩm được chế biến với nguồn nước nhiều nitrates. Nitrites trong thực phẩm sẽ tranh giành với oxygen có trong máu gây nên hiện tượng methemoglobinemia làm cho da trẻ em bị xanh tái nếu không cứu chữa kịp thời có thể tử vong.
Nitrates và nitrites là những tác nhân oxy hóa hemoglobin, trẻ em dưới 3 tháng tuổi có hàm lượng men NADH-cytochrome b5 reductase rất thấp. Men này dùng để chuyển methemoglobin trở lại thành hemoglobin cho nên trẻ em dưới 3 tháng tuổi rất dễ dàng bị methemoglobin.
Những loại thực phẩm để quá lâu cũng sẽ làm gia tăng hàm lượng nitrites nên cũng dễ gây ra methemoglobinemia.
Để bảo vệ t rẻ nhỏ khỏi methemoglobinemia thì cần bảo đảm nguồn nước dùng chế biến thức ăn cho trẻ không có quá nhiều nitrates, không nên dùng nước luộc rau củ để pha bột, pha sữa cho trẻ. Không nên giữ thực phẩm quá lâu. Những loại thực phẩm trẻ em được đông đá bán từ siêu thị, sau khi mở nắp để sử dụng thì phải để vào ngăn lạnh và không được để thêm quá 24 giờ. Đối với những thực phẩm được chế biến tại nhà cần phải cho trẻ ăn ngay và không nên giữ quá 12 giờ.
Theo: suckhoedoisong.vn