Chương trình mục tiêu quốc gia về dân số - KHHGĐ giai đoạn 2012-2015 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được thực hiện trên phạm vi cả nước với tổng mức đầu tư 8.990 tỷ đồng, gồm 3 dự án và 1 đề án. Trong đó dự án đảm bảo hậu cần và cung cấp dịch vụ KHHGĐ có mục tiêu đáp ứng đầy đủ, kịp thời, an toàn và thuận tiện các dịch vụ KHHGĐ có chất lượng cho các đối tượng sử dụng. Để thực hiện tốt mục tiêu của dự án, năm 2012, tỉnh ta đã duy trì hoạt động của hệ thống thông tin quản lý hậu cần phương tiện tránh thai tuyến tỉnh, huyện; bổ sung trang thiết bị dụng cụ kho hậu cần phương tiện tránh thai tuyến huyện, đáp ứng yêu cầu bảo quản an toàn phương tiện tránh thai. Nâng cao năng lực cán bộ quản lý hậu cần KHHGĐ và tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai: đào tạo tập huấn về quản lý và kỹ năng thực hiện các hoạt động tiếp thị xã hội cho cán bộ dân số tỉnh, huyện, xã; tập huấn về bảng kiểm viên uống tránh thai cho 687 CTV dân số. Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình phân phối phương tiện tránh thai tại các tuyến huyện, xã và tiếp tục triển khai tiếp thị xã hội các phương tiện tránh thai tại 229 xã, phường, thị trấn. Bên cạnh đó, chất lượng dịch vụ KHHGĐ thường xuyên và dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ trong các đợt chiến dịch tập trung được nâng cao. Trong năm, hệ thống dân số từ tỉnh đến cơ sở đã tổ chức cung cấp đầy đủ, kịp thời, chất lượng các dịch vụ KHHGĐ cho người dân; đảm bảo cơ số thuốc thiết yếu, vật liệu tiêu hao, chi phí kỹ thuật, quản lý và phụ cấp thủ thuật, phẫu thuật trong dịch vụ KHHGĐ và phá thai an toàn cho các đối tượng đăng ký thực hiện theo quy định.
Đội tuyên truyền viên dân số tỉnh tham gia liên hoan tuyên truyền viên dân số cơ sở toàn quốc. Ảnh: Do cơ sở cung cấp |
Trong 2 đợt chiến dịch, đã có 110 xã được đầu tư một phần kinh phí và thuốc điều trị phụ khoa, chủ yếu là các địa phương có mức sinh cao, tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên cao và còn nhiều khó khăn trong công tác dân số. Tại các xã được đầu tư một phần kinh phí, có 4/6 chỉ tiêu đạt kết quả khá là các chỉ tiêu về thực hiện các biện pháp tránh thai như: đặt vòng, sử dụng bao cao su, sử dụng viên uống tránh thai, thuốc tiêm; 100% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ thuộc địa bàn triển khai chiến dịch được cung cấp thông tin, tư vấn để nâng cao hiểu biết về CSSKSS-KHHGĐ. Chị em phụ nữ được tư vấn về sức khỏe sinh sản, giúp họ biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân, tự lựa chọn biện pháp tránh thai phù hợp, đồng thời được khám, phát hiện hỗ trợ điều trị bệnh phụ khoa thông thường. Tính đến thời điểm kết thúc chiến dịch, số phụ nữ đi khám là 134.190 người; số phụ nữ phát hiện bị viêm nhiễm phụ khoa và được điều trị là 47.754 người. Dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ được cung cấp cho đối tượng ngay tại trạm y tế xã, tạo thuận lợi cho người dân đến thực hiện các biện pháp KHHGĐ. Trong thời gian tổ chức chiến dịch, Trung tâm CSSKSS tỉnh, các trung tâm y tế huyện, thành phố đã tăng cường hỗ trợ hệ thống trạm y tế xã về trang thiết bị dụng cụ, dịch vụ kỹ thuật đảm bảo an toàn, kịp thời cho đối tượng. Nhờ đó đã thu hút được nhiều đối tượng đến thực hiện dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ. Đội dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ lưu động tại thôn, xã trong các đợt chiến dịch được hỗ trợ kinh phí đi lại, vận chuyển trang thiết bị. Công tác quản lý đối tượng thực hiện dịch vụ KHHGĐ tại cộng đồng và cung cấp tài liệu tư vấn cho đối tượng mới thực hiện biện pháp tránh thai cũng được tăng cường thông qua việc xây dựng biểu mẫu báo cáo về kết quả thực hiện KHHGĐ, giám sát, quản lý đối tượng thực hiện KHHGĐ tuyến cơ sở; tư vấn và chăm sóc y tế cho các đối tượng mới sử dụng biện pháp tránh thai; xử lý các trường hợp thất bại và tai biến, nhất là đối với các biện pháp tránh thai lâm sàng. Trong năm 2012, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đã triển khai thành công “Mô hình thử nghiệm trả chi phí dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ qua thẻ khách hàng”. Nhờ thực hiện tốt dự án đảm bảo hậu cần và nâng cao chất lượng dịch vụ KHHGĐ nên số cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ sử dụng các biện pháp tránh thai ngày càng tăng. Tuy nhiên hiện nay, 2 biện pháp tránh thai hiện đại có tác dụng lâu dài và hiệu quả cao là triệt sản và đặt vòng tránh thai lại có xu hướng giảm. Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai ngắn hạn như thuốc tiêm, thuốc cấy có xu hướng tăng thì việc đáp ứng nhu cầu lại không đủ, nhất là biện pháp thuốc cấy tránh thai được nhiều đối tượng chấp nhận lại không được cung cấp đủ do giá thành của biện pháp này quá cao… Nhận thức được những khó khăn này, Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh đang tập trung đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức, vận động các đối tượng và sớm tìm được giải pháp khắc phục để nâng tỷ lệ người thực hiện các biện pháp tránh thai và nâng cao chất lượng các dịch vụ CSSKSS-KHHGĐ./.
Lam Hồng