Việc rửa tay đúng cách có thể phòng chống được nhiều bệnh. Tuy nhiên, khi nào phải rửa tay và rửa tay như thế nào thì không phải ai cũng biết.
Tại sao phải rửa tay với xà phòng?
Rửa tay với xà phòng sau khi làm những công việc như: chăm sóc, tiếp xúc với người bị bệnh; vệ sinh cho trẻ, giặt giũ, làm các công việc ngoài đồng, trong vườn, chăn nuôi và nội trợ, đặc biệt sau khi đi vệ sinh. Rửa tay bằng xà phòng sẽ làm sạch được nhiều loại vi trùng, virus của những bệnh: tiêu chảy, viêm gan A, thương hàn, bại liệt, giun, sán, đau mắt đỏ, đau mắt hột; một số bệnh ngoài da, bệnh cúm A(H1N1), cúm A(H5N1), các bệnh đường hô hấp... mà mắt thường không thể thấy được. Tính trên cả bàn tay có khoảng 200 triệu mầm bệnh, với nhiều loại vi khuẩn, nơi nhiều nhất là ở dưới móng tay, vùng da bàn tay. Nếu không vệ sinh sạch sẽ, bàn tay sẽ là "cầu nối" đưa vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể khi dùng bàn tay cầm nắm thức ăn, cho trẻ ăn, bú hay khi chế biến thức ăn... Rửa tay sạch có thể giúp làm giảm tới 47% nguy cơ nhiễm khuẩn tiêu chảy, giảm 19-45% nguy cơ nhiễm khuẩn đường hô hấp. Vì vậy, cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
Khi nào cần phải rửa tay?
Cần phải rửa tay trước khi: rửa mặt, ăn, chế biến thức ăn, cho trẻ ăn và sau khi: đi vệ sinh, vệ sinh cho trẻ; chăm sóc, tiếp xúc với người bị bệnh; sau khi chế biến thức ăn; sau khi tay tiếp xúc với chất thải mà không dùng găng tay...
Quy trình vệ sinh tay thường quy |
6 bước rửa tay đúng cách:
- Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay vào nhau.
- Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.
- Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.
- Dùng đầu ngón tay của bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón của bàn tay kia và ngược lại.
- Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.
- Xả cho tay sạch xà phòng dưới nguồn nước sạch, sau đó lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch./.
Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Nam Định