Phát triển hệ thống cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế

05:09, 15/09/2012

Trên địa bàn Thành phố Nam Định, hệ thống cơ sở khám chữa bệnh công lập tuyến tỉnh hiện có Bệnh viện Đa khoa tỉnh và 6 bệnh viện chuyên khoa (Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Mắt, Bệnh viện YHCT, Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần) với tổng số 1.380 giường bệnh; số cán bộ y tế là 1.149 người. Về cơ sở khám chữa bệnh tư nhân trên địa bàn tỉnh có 1 Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn - Nam Định với quy mô 75 giường bệnh; có 25 phòng khám đa khoa; 94 phòng khám chuyên  khoa; 314 cơ sở hành nghề y học cổ truyền và một số cơ sở dịch vụ y tế khác. Ngoài ra, có 7 trung tâm y tế chuyên khoa với 200 cán bộ y tế; có 2 cơ sở đào tạo chuyên môn ngành y, dược là Đại học Điều dưỡng Nam Định và Trường Trung cấp Y tế Nam Định; có 4 nhà máy sản xuất thuốc đạt tiêu chuẩn GMP-WHO.

Trạm Y tế xã Nam Vân (TP Nam Định) đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.
Trạm Y tế xã Nam Vân (TP Nam Định) đầu tư cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân.

Thời gian qua, các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn Thành phố Nam Định đã hoàn thành tốt các chỉ tiêu kế hoạch về công tác khám, chữa bệnh, hầu hết chỉ tiêu đều đạt và vượt kế hoạch khám chữa bệnh trên các tuyến, công suất sử dụng giường bệnh đạt trên 100%. Số lần khám bình quân đạt 2,6 lần/người/năm. Chất lượng khám, chữa bệnh từng bước được nâng cao. Các bệnh nguy hiểm như: tiêu chảy cấp, cúm A(H5N1), cúm A(H1N1), sốt xuất huyết, bệnh tay - chân  - miệng… được tổ chức cách ly, bệnh nhân được cấp cứu điều trị kịp thời không để xảy ra tử vong, góp phần khống chế dịch bệnh. Các đơn vị đã triển khai một số kỹ thuật cao trong khám, chữa bệnh như: mổ nội soi, mổ phaco lạnh, chụp cắt lớp, nắn chỉnh xương, phẫu thuật thay khớp háng, mổ chấn thương sọ não... Công tác xã hội hoá tại các bệnh viện bước đầu phát triển tốt với các hình thức liên doanh, liên kết, góp vốn, vay tín dụng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao để thực hiện các kỹ thuật của tuyến trên. Các chương trình mục tiêu quốc gia về công tác y tế dự phòng và phòng chống dịch bệnh đều đạt và vượt; nhất là việc chủ động phòng chống, giám sát, kiểm tra, phát hiện dịch bệnh cúm gia cầm, sốt xuất huyết, viêm não Nhật Bản..., không để dịch lớn xảy ra, bao vây dập dịch tả, không có tử vong. Thời gian qua, một số bệnh viện được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2009-2013 là: Bệnh viện Đa khoa tỉnh (138,229 tỷ đồng), Bệnh viện Lao và bệnh phổi (91,487 tỷ đồng), Bệnh viện Tâm thần (67,786 tỷ đồng), Bệnh viện Nhi (153 tỷ đồng); Bệnh viện Phụ sản được đầu tư Dự án phát triển bệnh viện tỉnh, vùng giai đoạn II, từ nguồn vốn ODA với tổng mức đầu tư khoảng 3-5 triệu USD… Theo kế hoạch xây dựng y tế và nghiên cứu y học trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong thời gian tới sẽ tập trung xây dựng, củng cố, hoàn thiện hệ thống y tế trên địa bàn Thành phố Nam Định phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đáp ứng và thực hiện chức năng vùng. Trong đó, xây dựng, hoàn thiện Bệnh viện đa khoa quy mô 700 giường; xây dựng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đạt chuẩn quốc gia đủ năng lực để giám sát, phân tích và thông báo dịch bệnh kịp thời trong vùng, hỗ trợ kỹ thuật trong công tác y tế dự phòng cho các tỉnh trong vùng; xây dựng Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS đạt chuẩn quốc gia quy mô vùng IV; xây dựng, nâng cấp và sắp xếp lại các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa theo quy hoạch; xây dựng và phát triển quy mô Trường Cao đẳng Y tế Nam Định, nâng cao chất lượng đào tạo và mã ngành đào tạo; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, kỹ thuật chuyên môn nhanh chóng xây dựng Trung tâm Y tế Thành phố Nam Định đạt đơn vị hạng 2; xây dựng 100% xã, phường trên địa bàn Thành phố Nam Định đạt Bộ tiêu chí về y tế xã giai đoạn 2011-2020 vào năm 2015.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác y tế trên địa bàn thành phố nói riêng, toàn tỉnh nói chung còn nhiều hạn chế. Các cơ sở khám chữa bệnh mới thực hiện khoảng 85% danh mục kỹ thuật theo từng tuyến. Việc triển khai quy hoạch hệ thống cơ sở khám, chữa bệnh chưa đảm bảo tiến độ. Chất lượng khám, chữa bệnh, nhất là ở tuyến cơ sở còn hạn chế, đội ngũ cán bộ y tế còn thiếu về số lượng và hạn chế về chất lượng, cơ cấu chưa hợp lý, đặc biệt tỷ lệ bác sỹ, dược sỹ đại học, tỷ lệ giường bệnh trên dân số còn thấp so với khu vực và cả nước. Hiện nay, các cơ sở y tế trên địa bàn thành phố có 1.725 giường bệnh, bình quân đạt 5,7 giường bệnh/1 vạn dân; có 1.654 cán bộ y tế, đạt bình quân 50,89 cán bộ y tế/1 vạn dân; có 367 bác sỹ, đạt bình quân 11,2 bác sỹ/1 vạn dân. Đối với toàn tỉnh, bình quân 23,17 cán bộ y tế/1 vạn dân (toàn quốc là 30 cán bộ y tế/1 vạn dân); bình quân 4,4 bác sĩ/1 vạn dân (toàn quốc là 7 bác sỹ/1 vạn dân); bình quân 0,24 dược sĩ đại học/1 vạn dân (toàn quốc là 0,7 dược sỹ/1 vạn dân). Đối chiếu với quy định và mục tiêu của Bộ Y tế thì nhân lực y tế của tỉnh ta thiếu ở tất cả các tuyến, nhất là bác sĩ và dược sĩ đại học. Sự phân bố bác sĩ và dược sĩ đại học ở các tuyến không đồng đều, tập trung chủ yếu ở tuyến tỉnh, cơ sở điều trị vì nhiều bác sỹ mới ra trường không muốn về huyện, về các đơn vị y tế như Bệnh viện Lao và bệnh phổi, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng, Y tế dự phòng..., dẫn đến tình trạng các đơn vị này thiếu bác sĩ. Trong những năm tới, dự báo nguồn nhân lực y tế tiếp tục biến động giảm do sự chuyển đổi cơ chế chính sách; hệ thống y tế ngoài công lập phát triển sẽ thu hút một phần nguồn nhân lực y tế công lập ra làm việc... trong khi Thành phố Nam Định và các địa phương trong tỉnh cần số lượng lớn cán bộ y tế để bổ sung cho số cán bộ y tế bị thiếu hụt và phân công vào các cơ sở y tế mới như: Bệnh viện Đa khoa 700 giường, Bệnh viện Nội tiết, Bệnh viện Da liễu...

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII (nhiệm kỳ 2010-2015) và Quy hoạch phát triển ngành Y tế đến năm 2020 đã xác định: Năm 2011-2015, phấn đấu đạt tỷ lệ 6,9 bác sĩ/1 vạn dân; 1,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 21,3 giường bệnh/1 vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Năm 2015-2020, phấn đấu đạt 9 bác sĩ/1 vạn dân; 2,5 dược sĩ đại học/1 vạn dân; 25,5 giường bệnh/1 vạn dân; 100% trạm y tế xã có bác sĩ. Như vậy, đến năm 2020 toàn tỉnh cần bổ sung 1.015 bác sĩ (935 bác sĩ cho tuyến tỉnh và huyện, 80 bác sĩ cho tuyến xã). Để thực hiện chỉ tiêu trên, ngành Y tế cần tăng cường chính sách và giải pháp đào tạo bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y - dược có trình độ đại học. Hằng năm, các đơn vị y tế cần rà soát số lượng con em địa phương đang được đào tạo ở các trường đại học y, dược, đề xuất với Sở Y tế có kế hoạch tiếp cận sinh viên, thông tin về cơ chế chính sách thu hút, khuyến khích sinh viên sau khi học xong về tỉnh công tác. Tham mưu với tỉnh tạo điều kiện để tiếp nhận các bác sĩ mới ra trường về công tác tại đơn vị, phân công nhiệm vụ theo nguyện vọng và trả lương theo ngạch bậc, thực hiện các chế độ quy định để các bác sĩ yên tâm công tác. Bên cạnh đó, ngành Y tế tiếp tục triển khai Đề án luân phiên cán bộ từ tuyến trên về tuyến dưới theo Quyết định số 1816 của Bộ Y tế giai đoạn 2010-2015 trên phạm vi toàn tỉnh, góp phần nâng cao năng lực cán bộ y tế tuyến cơ sở. Tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận cán bộ từ các bệnh viện Trung ương như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Viện Tai Mũi Họng Trung ương, Bệnh viện Mắt Trung ương, Viện E... về luân phiên tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và các bệnh viện, trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh để các thầy thuốc, cán bộ y tế của tỉnh tiếp nhận công nghệ điều trị tiên tiến, nâng cao hiệu quả điều trị. Tạo điều kiện cho bác sĩ đi học chuyên khoa cấp I, II, thạc sĩ, tiến sĩ chuyên ngành cử cán bộ trẻ có năng lực đi học ở nước ngoài. Có chính sách cụ thể đối với bác sĩ đang công tác tại trạm y tế xã. Trên cơ sở yêu cầu phát triển nguồn nhân lực và mục tiêu chăm sóc sức khỏe nhân dân mà tỉnh đã xác định, cần chú trọng phát triển hình thức đào tạo theo địa chỉ, đi đôi với việc khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia học tại một số ngành còn thiếu nhân lực như: dược, y tế dự phòng, phòng chống HIV/AIDS, nhi khoa…

Bài và ảnh: Việt Thắng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com