Bệnh đau mắt đỏ thường xảy ra vào những tháng mùa mưa hằng năm. Bệnh lây lan nhanh, chỉ qua tiếp xúc trực tiếp như bắt tay, hoặc tiếp xúc với những vật đã bị nhiễm mầm bệnh như dùng chung đồ sinh hoạt, khăn mặt, nước bể bơi... hay qua đường hô hấp như ho, hắt hơi... Khi có những triệu chứng mắc bệnh, bệnh nhân không được tự ý điều trị, cần đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa để được bác sĩ tư vấn cách điều trị. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng nước muối sinh lý để rửa mắt và tra thuốc kháng sinh loại nhẹ để phòng bội nhiễm.
Bệnh đau mắt đỏ nếu gặp phải virut adenovirut có thể gây những biến chứng nguy hiểm. Bệnh có sự liên kết của nhiều bộ phận như viêm kết mạc ở mắt, đau họng và lên hạch trước tai nên được gọi là viêm kết mạc - họng - hạch. Nhiều người bị viêm kết mạc - họng - hạch chỉ nghĩ bị đau mắt hoặc thấy khan giọng thì nghĩ đau họng.
Khi bị đau mắt đỏ, cần đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa. |
Người bị viêm kết mạc - họng - hạch có thể thấy xuất hiện một số triệu chứng như toàn thân sốt nhẹ, viêm mũi - họng, nổi hạch trước tai. Thông thường khi bị viêm kết mạc - họng - hạch thì virut có thể tấn công cùng lúc ở cả mắt, họng và làm nổi hạch. Người bệnh sẽ có cảm giác khó chịu, chảy nước ở mắt, sợ ánh sáng, mỗi khi nuốt nước bọt họng lại đau và nổi hạch luôn, đồng thời vành mi trên, đặc biệt là mi dưới xuất hiện nhiều hột to mọc thành dãy, xuất hiện nhanh và thoái hoá phát triển nhanh trong vòng 6 ngày không để lại sẹo.
Khác với đau mắt đỏ thông thường, bệnh này thường lây nhiễm chủ yếu qua đường hô hấp như ho, hắt hơi vì vậy người bệnh cũng cần phải đeo khẩu trang tránh lây nhiễm cho người khác. Thường bệnh chỉ diễn ra từ 5-7 ngày, nhưng sau một thời gian nếu không được điều trị kịp thời có thể gây nhiều biến chứng về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm phổi… Do đó, khi thấy có triệu chứng bệnh cùng lúc ở mắt, họng và nổi hạch, cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa về mắt và họng để khám và có cách điều trị kịp thời./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định