Tăng cường công tác phòng chống bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên y tế

07:08, 30/08/2012

Hằng ngày, các cán bộ y tế phải tiếp xúc với các nguồn lây bệnh, hóa chất, bệnh phẩm... nên dễ bị phơi nhiễm và mắc các bệnh nghề nghiệp (BNN). Trong khuôn khổ các hoạt động của Dự án tăng cường phòng, chống BNN của Bộ Y tế, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao năng lực và các biện pháp phòng, chống hiệu quả các BNN tại các trung tâm y tế các huyện, thành phố, các bệnh viện về các kiến thức khám viêm gan B nghề nghiệp, điếc nghề nghiệp; giám sát môi trường lao động, triển khai mô hình phòng chống BNN tại các cơ sở y tế; nâng cao năng lực khám, chẩn đoán và giám định BNN đối với tuyến tỉnh và năng lực giám sát môi trường lao động đối với tuyến huyện. Trong năm 2011 và 6 tháng đầu năm 2012, Trung tâm đã khảo sát để triển khai thí điểm mô hình phòng, chống viêm gan B nghề nghiệp tại Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng) và Bệnh viện Đa khoa Trực Ninh. Qua khảo sát cho thấy, hằng năm cả 2 bệnh viện này đều kiện toàn hội đồng bảo vệ lao động và có kế hoạch hoạt động song chưa triển khai giám sát môi trường lao động của bệnh viện; chưa khám, phát hiện BNN, chưa triển khai tiêm vắc xin phòng bệnh cho cán bộ y tế có nguy cơ cao mắc, chưa có sổ theo dõi cán bộ bị phơi nhiễm, tai nạn rủi ro trong quá trình làm việc. Đặc biệt qua khám BNN cho 60 cán bộ y tế của Bệnh viện Đa khoa Trực Ninh, đã phát hiện 3 trường hợp viêm gan B. Thực tế trên cho thấy, các bệnh viện chưa thực sự quan tâm đến công tác ATVSLĐ và phòng, chống BNN. Đây cũng là tồn tại chung của nhiều bệnh viện trong tỉnh.

Xét nghiệm tìm vi rút cúm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.
Xét nghiệm tìm vi rút cúm tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh.

Hiện nay, toàn tỉnh có 8 bệnh viện tuyến tỉnh, 9 trung tâm y tế tuyến tỉnh, 11 bệnh viện tuyến huyện, 10 trung tâm y tế huyện và 229 trạm y tế xã, phường, thị trấn với gần 4.000 cán bộ y tế. Hệ thống y tế ngoài công lập bao gồm 1 bệnh viện tư nhân, 25 phòng khám đa khoa, 213 phòng khám chuyên khoa với gần 400 cán bộ y tế. Với đặc thù là ngành lao động có cường độ cao, ở hầu hết các hoạt động trong ngành, nhân viên y tế phải tiếp xúc và tham gia xử lý các dịch bệnh nhưng các đơn vị vẫn chưa thực hiện đầy đủ nội dung Quyết định 3079 của Bộ Y tế về quy chế tổ chức và hoạt động của hệ thống công tác bảo hộ lao động trong cơ sở y tế như đo đạc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ, bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Bên cạnh đó, nhân lực làm công tác y tế còn thiếu và thường xuyên biến động, đội ngũ cán bộ y tế lao động tại các cơ sở chưa được đào tạo sâu lĩnh vực y tế lao động. Trong công tác ATVSLĐ, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã phối hợp các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện triển khai giám sát môi trường lao động, đánh giá yếu tố tiếp xúc nghề nghiệp và nhận thấy vẫn còn một số mẫu về ánh sáng, tiếng ồn (tại phòng khám bệnh), mẫu vi khuẩn, nấm tại các phòng mổ, phòng hậu phẫu ở một số bệnh viện tuyến huyện chưa đạt tiêu chuẩn cho phép. Việc theo dõi sức khỏe, công tác khám BNN chưa được thực hiện thường xuyên tại các đơn vị do việc quản lý hồ sơ chưa được cập nhật. Số đơn vị y tế chủ động khám bệnh nghề nghiệp cho cán bộ, nhân viên không nhiều và chưa thành hệ thống. Hồ sơ quản lý BNN chỉ tiến hành cho số cán bộ bị mắc BNN đã được hưởng chế độ đã ảnh hưởng đến quyền lợi của cán bộ bị phơi nhiễm. Bên cạnh đó, đa số các bệnh viện chưa xét nghiệm định kỳ cho cán bộ công nhân viên của đơn vị mà chủ yếu cán bộ tự đi khám bệnh hoặc được khám thông qua các chương trình, dự án triển khai, do đó tỷ lệ phát hiện BNN còn thấp so với thực tế. Theo số liệu của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, từ năm 2008 đến tháng 6-2012, trong tổng số 2.164 cán bộ y tế khám BNN đã có 180 người mắc các bệnh: viêm gan vi rút nghề nghiệp, lao nghề nghiệp và bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ... Qua thực tế cho thấy, nhiều cán bộ y tế chưa nắm được các văn bản pháp luật liên quan đến công tác ATVSLĐ và phòng, chống BNN trong các cơ sở y tế; các thủ tục hướng dẫn khám BNN liên quan đến quyền lợi của bản thân. Số cán bộ y tế được tập huấn không nhiều, chủ yếu tập trung vào cán bộ phụ trách bảo hộ lao động và lãnh đạo các khoa, phòng có yếu tố nguy cơ cao mắc BNN…; do vậy đã hạn chế công tác phòng, chống BNN cho cán bộ y tế.

Để giải quyết vấn đề trên, thời gian tới, Sở Y tế cần chỉ đạo các đơn vị y tế trong tỉnh thực hiện tốt Quyết định 3079 của Bộ Y tế và giao cho Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh trực tiếp giám sát môi trường lao động, khám, phát hiện BNN. Triển khai các văn bản pháp luật về ATVSLĐ và chăm sóc sức khỏe trong các cơ sở y tế; tiếp tục xây dựng mô hình điểm tại các bệnh viện đã triển khai. Phối hợp với thanh tra liên ngành để kiểm tra công tác ATVSLĐ, kế hoạch bảo hộ lao động tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện; kết hợp hoạt động giữa nhiều ngành và nhiều lĩnh vực tại địa phương có chức năng quản lý sức khỏe nghề nghiệp, phòng chống BNN để triển khai có hiệu quả hơn. Tranh thủ sự hỗ trợ của địa phương và các nguồn lực để tập trung đầu tư cho các ngành, đơn vị trọng điểm có nhiều nguy cơ BNN. Các đơn vị y tế cũng cần duy trì công tác ATVSLĐ và phòng, chống BNN thường xuyên để người lao động luôn được quan tâm và cải thiện điều kiện làm việc; các trung tâm y tế tuyến huyện xây dựng nhu cầu đào tạo, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ để Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh lên kế hoạch hỗ trợ nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ./.  

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com