Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn tả (Vibrio cholerae) gây ra và là bệnh truyền nhiễm cấp tính nên rất nguy hiểm. Bệnh xảy ra quanh năm, nhưng thường bùng phát vào mùa hè.
Biểu hiện của bệnh
- Thời kỳ ủ bệnh từ vài giờ đến 4-5 ngày; thường không có triệu chứng gì.
- Thời kỳ phát bệnh, bệnh nhân có các triệu chứng như sôi bụng, tiêu chảy, sau đó tiêu chảy liên tục nhiều lần với khối lượng lớn, phân toàn nước, màu trắng đục như nước vo gạo và có thể bị nôn. Bệnh nhân bị nôn và tiêu chảy nhiều sẽ dẫn đến mất nước, mất chất điện giải, gây truỵ tim mạch cấp tính, nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ gây tử vong.
Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch khi chế biến, phân phối thực phẩm và trước khi ăn. Ảnh: Internet |
Cách phòng bệnh
- Bệnh tiêu chảy cấp tính do vi khuẩn tả hay vi khuẩn khác đều lây truyền chủ yếu qua đường ăn, uống. Vì vậy, để phòng bệnh tiêu chảy cấp tính, cần thực hiện “ăn chín, uống sôi”. Tuyệt đối không ăn các loại thức ăn sống như: rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chua, không uống nước lã, không ăn thức ăn đã nấu chín nhưng để quá lâu và không được bảo quản cẩn thận.
- Dùng nước sạch, đảm bảo vệ sinh để uống, rửa, chế biến thực phẩm và làm sạch các dụng cụ trong quá trình chế biến thức ăn, phân phối thực phẩm.
- Những người chế biến, phân phối thực phẩm cần rửa tay bằng xà phòng với nước sạch và đi găng tay khi thực hiện công việc.
- Phát hiện sớm người bị bệnh tả và cách ly tuyệt đối. Phân và chất thải của người bệnh cần được xử lý bằng cách cho vào hố xí có chất sát khuẩn mạnh (vôi bột, cloramin B). Sau khi đi vệ sinh cần rửa tay bằng xà phòng và nước sạch.
- Đối với những vùng có nguy cơ bùng phát dịch cần được dự phòng bằng vắc-xin. Tăng cường phát hiện người lành mang vi khuẩn tả ở những vùng đã có người mắc bệnh tiêu chảy cấp tính và những vùng đã có dịch tả. Khi phát hiện cần điều trị dứt điểm tránh để bệnh lây lan./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định