Quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các bệnh viện, trạm y tế

07:06, 07/06/2012

Qua khảo sát của Sở Y tế trong tổng số 236 cơ sở y tế, gồm các bệnh viện tuyến tỉnh, huyện và trạm y tế, lượng nước thải y tế phát sinh khoảng 38.766 m3/tháng. Thành phần nước thải trong các hoạt động tại bệnh viện, trạm y tế ngoài các chất độc hại trong xét nghiệm, phẫu thuật, còn có các mầm bệnh nguy hiểm. Vì vậy, nước thải y tế rất nguy hiểm đối với hệ sinh thái và sức khỏe con người.  

Trước thực trạng trên, năm 2008, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế có công suất thiết kế 700m3/24h theo công nghệ CN2000. Đến cuối năm 2009, hệ thống xử lý nước thải của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã chính thức được đưa vào hoạt động. Hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang phấn đấu để đảm bảo hoàn thiện việc xử lý hệ thống nước thải và chất lượng nước thải đảm bảo chỉ số yêu cầu, thực hiện nghiêm túc các quy định về bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, hiện tại, trên địa bàn tỉnh mới chỉ có Bệnh viện Đa khoa tỉnh có hệ thống xử lý nước thải, còn lượng nước thải tại các cơ sở y tế khác vẫn chưa được xử lý triệt để. Các đơn vị y tế khác như Bệnh viện Lao và Bệnh phổi, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Phụ sản, Trung tâm Mắt, Trung tâm Nội tiết... và các bệnh viện tuyến huyện, thành phố chủ yếu xử lý nước thải y tế bằng các phương pháp thủ công như: gom vào ao, bể của bệnh viện; rắc vôi bột hoặc xử lý bằng Cloramin B lưu trữ trong thời gian ngắn rồi tháo ra cống, mương, kênh, sông. Tại các trạm y tế, các cơ sở y tế tư nhân... đều chưa thực hiện xử lý nước thải y tế theo quy định của Bộ TN và MT. Tại nhiều trạm y tế xã, việc xử lý chủ yếu bằng hình thức thủ công, đơn giản, nhiều chất thải không được tiêu huỷ triệt để, gây mất vệ sinh và ô nhiễm môi trường.

Hệ thống xử lý nước thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có công suất thiết kế 700m3/24h theo công nghệ CN2000.
Hệ thống xử lý nước thải y tế của Bệnh viện Đa khoa tỉnh có công suất thiết kế 700 mét khối một ngày, theo công nghệ CN2000.

Vấn đề chất thải y tế nói chung, nước thải y tế nói riêng đang là mối quan tâm của xã hội, bởi nếu không được xử lý tốt, các vi sinh vật gây bệnh, chất hóa học độc hại, gây ung thư trong chất thải y tế có thể nguy hại đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường. Việc chưa xử lý nước thải cũng là một trong những nguyên nhân dẫn tới việc xuất hiện những loại dịch bệnh mới. Để giảm thiểu tác hại từ nước thải y tế, tháng 10-2011, tại tỉnh ta đã có thêm 7 đơn vị gồm Bệnh viện Phụ sản, Bệnh viện Tâm thần, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Hưng, Bệnh viện Đa khoa Ý Yên, Bệnh viện Y học cổ truyền, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh được khởi công lắp đặt hệ thống xử lý nước thải. Kinh phí lắp đặt một nửa của Bộ TN và MT và một nửa từ nguồn vốn đối ứng của UBND tỉnh. Đến nay, các công trình đã thi công khoảng 80% khối lượng công việc. Cuối tháng 5-2012, Sở Y tế tiếp tục mở gói thầu lắp đặt hệ thống xử lý nước thải cho 5 đơn vị y tế là Trung tâm Mắt, Bệnh viện Đa khoa Mỹ Lộc, Bệnh viện Đa khoa Nghĩa Bình, Bệnh viện Đa khoa Xuân Trường, Bệnh viện Đa khoa Giao Thủy, dự kiến sau 4 tháng sẽ hoàn thành. Bên cạnh đó Sở Y tế chỉ đạo, kiểm tra nhắc nhở các bệnh viện và đơn vị y tế trực thuộc thực hiện việc xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế. Đối với các đơn vị y tế có nguồn nước thải sau xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường, đơn vị sẽ dần bố trí nguồn vốn để các đơn vị đầu tư, nâng cấp hoàn chỉnh hệ thống xử lý nước thải y tế, đảm bảo đạt quy chuẩn theo quy định và hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Đối với các đơn vị đang triển khai xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế, cần gấp rút hoàn thành việc đầu tư, xây dựng chương trình xử lý nước thải, góp phần đảm bảo cho môi trường. Khó khăn hiện tại của các đơn vị còn lại chưa có hệ thống xử lý nước thải y tế hoặc chưa được đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải y tế vẫn là do nguồn kinh phí còn hạn hẹp.

Trước thực trạng lượng chất thải rắn y tế nói chung, nước thải y tế nói riêng tại các bệnh viện quá lớn, chưa được xử lý triệt để, cần có sự quan tâm chỉ đạo, đầu tư của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đặc biệt là sự đầu tư của tỉnh cho các chương trình, dự án, đề án cho lĩnh vực này mới có thể giải quyết triệt để được sự ô nhiễm môi trường, mầm mống bệnh tật, dịch bệnh do các hoạt động tại các bệnh viện, trạm y tế thải ra. Cùng với việc đầu tư xây dựng, cán bộ của các cơ sở y tế cần làm chủ các phương tiện kỹ thuật đã được trang bị để vận hành có hiệu quả cho việc xử lý nước thải trong các cơ sở y tế. Sở Y tế cần thường xuyên tổ chức kiểm tra, yêu cầu toàn bộ các cơ sở y tế thực hiện đúng, đủ các cam kết về việc xử lý nước thải, đảm bảo vệ sinh môi trường./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com