Chơi quần vợt được vài năm nay nhưng đầu tháng 6 vừa qua, anh T ở đường Trần Huy Liệu (TP Nam Định) bỗng nhiên bị đau chói vùng thắt lưng rồi tiếp tục lan xuống xương chậu, lưng đơ cứng, không cúi được. Khám bệnh tại Hà Nội, anh được chẩn đoán bị chấn thương thể thao với bệnh lý đau thắt lưng cơ năng phải điều trị một thời gian dài mới có thể hồi phục. Còn cháu H ở ngõ 114 Mạc Thị Bưởi (TP Nam Định) mới nghỉ hè chưa lâu đã bị gãy tay khi đá bóng. Được biết, từ đầu hè đến nay Khoa chấn thương, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã cấp cứu, chữa trị cho hàng chục thanh, thiếu niên bị chấn thương do đá bóng bị gẫy tay, căng gân kheo, trật mắt cá chân, rách đệm bảo vệ đầu gối, chấn thương dây chằng chữ thập chéo trước…
Thể thao ngày càng thu hút đông đảo người dân ở mọi lứa tuổi tập luyện. Tuy nhiên trong quá trình tập luyện, hầu như ai cũng gặp phải chấn thương, nhẹ thì bong gân, trật khớp, nặng là gẫy tay, gẫy chân... Các môn thể thao người tập luyện bị chấn thương nhiều là bơi lội, cầu lông, bóng đá, chạy… Môn cầu lông được nhiều người yêu thích, người bị chấn thương thường ở phần bả vai. Môn bóng đá có nhiều chấn thương nhất như bong gân, căng cơ, gẫy xương, trật khớp chân… Nguyên nhân chủ yếu do người chơi chỉ khởi động qua loa, hoặc chủ quan không phòng tránh. Có khi tình trạng chấn thương do tác động của ngoại cảnh như điều kiện tập luyện không tốt, đi giày không đúng kích cỡ, bị xe mô tô đâm phải khi chơi thể thao dưới lòng đường… Khi bị chấn thương, nhiều người không nắm rõ được nguyên lý và cách điều trị, tự xử lý khiến vết thương ngày càng nặng. Bên cạnh ý thức người chơi, điều kiện cơ sở vật chất tập luyện không bảo đảm cũng góp phần làm người chơi thể thao bị chấn thương. Hiện tại, toàn tỉnh đã phát triển được 1.000 CLB thể thao, sân quần vợt, sân bóng đá mini, sân trượt pa-tanh, thể dục thẩm mỹ aerobic, thể hình... Chỉ tính riêng từ đầu hè đến nay trên địa bàn Thành phố Nam Định đã xuất hiện thêm 20 CLB thể thao tư nhân như các CLB nhảy hiphop beackdance tại Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định, trước tiền sảnh Nhà Văn hóa 3-2, CLB thể dục thẩm mỹ Huyền Lan ở khán đài Sân vận động Thiên Trường, CLB múa lân sư, rồng của Trung tâm VH-TT-TT thanh thiếu niên tỉnh, các CLB võ thuật được mở tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn. Qua khảo sát cho thấy các CLB cơ bản đáp ứng các quy định của Bộ VH, TT và DL về điều kiện hoạt động. Tại Thành phố Nam Định, các CLB thể dục thể hình có diện tích đảm bảo, hệ thống chiếu sáng và hệ thống thông gió đủ tiêu chuẩn. Nhiều điểm tập aerobic, khiêu vũ thể thao đều được lắp mặt sàn bằng phẳng, không trơn trượt. Các cơ sở thể thao tổ chức hoạt động bơi, lặn như Bể bơi tư nhân Thắng Lợi và Bể bơi Nhà Văn hóa thiếu nhi Thành phố Nam Định chú trọng đến công tác cứu hộ cứu nạn. Các HLV, hướng dẫn viên, nhân viên cứu đuối đều được tập huấn và được cấp chứng chỉ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, các công trình phụ trợ được trang bị đầy đủ với tủ thuốc cứu thương, nội quy, thiết bị phòng cháy chữa cháy, bảng báo hiệu độ sâu của bể bơi, niêm yết nội quy, bảng giá theo quy định... Tuy nhiên vẫn có một số cơ sở thể thao chưa chú ý tới công tác bảo đảm an toàn cho người chơi. Tại sân trượt pa-tanh tư nhân ở Thị trấn Nam Giang (Nam Trực), sân trượt được láng bằng xi măng trong khi thanh, thiếu niên trượt với tốc độ cao, không có thiết bị phụ trợ bảo vệ nên nguy cơ bị chấn thương rất cao nếu xảy ra va chạm. Ở một CLB hiphop tại Thành phố Nam Định, các học viên được dạy từ những động tác cơ bản rất khó, nhanh, tuy nhiên hầu như trang phục phụ trợ cho học viên luyện tập, bảo vệ cơ thể như tấm lót khuỷu tay, lót đầu gối, mũ đội đầu để tránh chấn thương hầu như không có. Một số CLB võ thuật còn sinh hoạt trên nền bê tông, các võ sinh rất dễ bị chấn thương.
Để phòng tránh các chấn thương trong tập luyện thể thao, các bác sỹ thể thao khuyến cáo, người chơi thể thao nên lựa chọn tập luyện những môn thể thao phù hợp với điều kiện sức khoẻ của bản thân. Đặc biệt, người tập không được bỏ qua khâu khởi động trước khi chơi bởi đây là một công đoạn quan trọng giúp chuyển cơ thể từ trạng thái tĩnh sang động, thích nghi dần dần cường độ chơi ngày càng cao. Cần thực hiện đầy đủ các động tác khởi động, nhất là các động tác về khớp tay, khớp chân để tránh bị sái khớp, sưng khớp, chuột rút. Trong quá trình chơi, không thực hiện các động tác mạnh một cách đột ngột. Khi gặp cảm giác đau nhói ở cơ thể cần phải giảm cường độ vận động hoặc dừng hẳn để theo dõi. Khi bị chấn thương, người bệnh cần đến các cơ sở y tế chuyên khoa chấn thương hoặc y học thể thao để được điều trị đúng phương pháp. Cùng với việc nâng cao ý thức người tập, các cơ sở thể thao tư nhân cần tuân thủ các quy định về bảo đảm an toàn cho người tập theo quy định của Bộ VH, TT và DL./.
Đức Thiện