Theo các chuyên gia y tế, mùa hè rất dễ bị ngộ độc thực phẩm, vì thời tiết nắng, nóng là điều kiện thuận lợi cho các vi khuẩn, vi-rút phát triển mạnh, đây là nguyên nhân chính gây ra các vụ ngộ độc thức ăn. Ngoài ra, nguy cơ ngộ độc thực phẩm còn đến từ các thức ăn có nguồn gốc từ động vật chứa nhiều dầu, đạm như: cá, hải sản, sữa..., nếu không được chế biến kỹ, thức ăn không ăn ngay, quá trình bảo quản không cẩn thận cũng rất dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Thực tế cho thấy, dù mới bước vào đầu mùa hè, nhưng cả nước đã ghi nhận được 10 vụ ngộ độc thực phẩm làm 972 người mắc, trong đó có 726 người phải nhập viện điều trị và đã có bốn người chết. Đó là sự cảnh báo các ngành, các cấp và người dân cần chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống ngộ độc.
Ăn quán vỉa hè thường không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, dễ gây ngộ độc (Ảnh minh họa) |
Trước tiên, các địa phương, nhất là các thành phố lớn, nơi có nhiều các khu công nghiệp cần quản lý tốt các loại hình thức ăn đường phố. Bởi với lợi thế: rẻ, tiện lợi cho người dân, nhưng lại chủ yếu được bày bán trên vỉa hè, sát đường giao thông, cho nên không tránh khỏi các loại thực phẩm bị nhiễm bụi, nấm, khí thải... Nếu theo quy định của ngành y tế, các hộ kinh doanh thức ăn đường phố phải bảo đảm đủ các tiêu chuẩn: Đủ nước sạch; có dụng cụ gắp thức ăn; không để lẫn thức ăn chín và sống; cách biệt nguồn ô nhiễm như cống rãnh, rác thải; người làm dịch vụ chế biến thức ăn phải được tập huấn về kiến thức và khám sức khỏe định kỳ..., nhưng hiện nay có đến 90% số hàng quán bán thức ăn đường phố vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: Bộ Y tế chịu trách nhiệm thực hiện thống nhất quản lý Nhà nước về an toàn thực phẩm; Bộ NN và PTNT; Bộ Công thương quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, xuất nhập khẩu; UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo việc thực hiện quy định của địa phương về an toàn thực phẩm. Trước tình hình đó, các bộ, ngành và UBND các cấp cần phối hợp và thực hiện một cách đồng bộ trong trong thời gian tới để bảo đảm an toàn từ sản xuất đến chế biến, vận chuyển và cung ứng thực phẩm đến người tiêu dùng. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhất là đối với công tác hậu kiểm, nhằm xây dựng được mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng, cũng như tiến hành xử lý nghiêm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm vi phạm; tăng cường công tác truyền thông, tập huấn kiến thức an toàn vệ sinh an toàn thực phẩm một cách sâu rộng đến mọi người dân.
Về phía người dân, cần thực hiện việc lựa chọn, chế biến thực phẩm an toàn như: Lựa chọn thực phẩm tươi, sạch, rõ nguồn gốc xuất xứ; thực hiện "ăn chín, uống sôi", rửa sạch, gọt vỏ rau quả trước khi sử dụng; ăn ngay khi thức ăn vừa nấu chín, bảo quản đúng cách thức ăn sau khi nấu chín; đun kỹ lại thức ăn cũ trước khi sử dụng. Thực hiện rửa sạch tay trước khi chế biến thực phẩm, nhất là sau khi đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với các nguồn dễ gây ô nhiễm khác, tuyệt đối không sử dụng thực phẩm ôi thiu, mốc,... Sử dụng nguồn nước sạch, an toàn trong chế biến thực phẩm; tiết canh, gỏi cá, nem chua...
Theo: nhandan.com.vn