Những năm qua, chương trình phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em (ARI) do Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh triển khai trên địa bàn toàn tỉnh đã góp phần giảm tỷ lệ trẻ tử vong do viêm phổi, giảm tỷ lệ trẻ mắc viêm phổi nặng, tăng tỷ lệ sử dụng thuốc hợp lý cho trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp, đồng thời nâng cao hiểu biết của các bà mẹ về cách phát hiện bệnh cũng như chăm sóc trẻ mắc nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính.
Bệnh nhi chờ khám bệnh tại Bệnh viện Nhi tỉnh Nam Định. |
Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Trưởng Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh cho biết: Từ năm 2006, bệnh viện đa khoa các huyện, thành phố đều có cán bộ phụ trách chương trình ARI và công tác chống lao. Cả 229 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đều triển khai và phân công cán bộ phụ trách chương trình ARI. Hằng năm, có 200 nghìn trẻ dưới 5 tuổi được chương trình bảo vệ. Trong quá trình triển khai thực hiện chương trình, các bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã thường xuyên tuyên truyền sâu rộng tới các bà mẹ có con nhỏ từ 0-5 tuổi về cách phòng chống, kịp thời phát hiện những trẻ bị viêm phổi nặng để đưa con tới cơ sở y tế khám và điều trị; cách chăm sóc theo dõi khi trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp; tổ chức các buổi nói chuyện trực tiếp nhóm các bà mẹ; phát tranh lật, phác đồ xử trí khi trẻ khó thở; phát tờ rơi tại các bệnh viện đa khoa huyện, trạm y tế xã và cho các bà mẹ có con từ 0-5 tuổi; phát sách hướng dẫn cho gia đình bệnh nhân hen cho các trạm y tế xã và bệnh viện đa khoa huyện; phát tài liệu hướng dẫn xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em cho các khoa nhi bệnh viện đa khoa huyện, thành phố. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, chương trình đã cung cấp 194 máy khí dung cho các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong tỉnh để xử trí khi có trẻ tắc nghẽn đường thở; cung cấp 4 máy hút dịch cho khoa nhi của bệnh viện đa khoa các huyện Vụ Bản, Hải Hậu, Nghĩa Hưng, Giao Thủy. Khoa lao cùng với khoa nhi các bệnh viện đa khoa tuyến huyện đã tăng cường kiểm tra, giám sát công tác chống lao tại cơ sở. Năm 2009, chương trình ARI được lồng ghép với chiến lược hướng dẫn thực hành xử trí tốt các bệnh về đường hô hấp (PAL) gồm các bệnh viêm phổi cộng đồng, lao phổi, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính của cả trẻ em và người lớn; triển khai tại 4 huyện Ý Yên, Vụ Bản, Hải Hậu, Nam Trực. Trong 6 tháng cuối năm 2011, tổng số bệnh nhân khám bệnh về đường hô hấp tại 4 huyện là gần 21 nghìn lượt bệnh nhân; quý I-2012 có 16,5 nghìn lượt bệnh nhân đến khám và điều trị.
Tuy nhiên, hiện nay cán bộ làm công tác ARI tuyến xã thiếu, đặc biệt là đội ngũ bác sỹ chuyên sâu về hô hấp. Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ làm chương trình thường xuyên bị xáo trộn do luân chuyển và thay đổi khi chương trình được lồng ghép với chiến lược PAL. Mặt khác, kinh phí hạn hẹp gây khó khăn cho các hoạt động mua sắm trang thiết bị, đào tạo, tập huấn, công tác truyền thông, việc mở lớp tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm chương trình. Ngoài ra, tình trạng lạm dụng kháng sinh khá phổ biến trong khi mức độ bệnh của trẻ có thể chưa cần thiết phải kê đơn dùng kháng sinh; sự hiểu biết về dấu hiệu, xử trí nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính của bà mẹ có con dưới 5 tuổi còn hạn chế, không biết phát hiện dấu hiệu của bệnh nên chuyển đến cơ sở y tế khi bệnh của trẻ đã nặng. Nhiều bà mẹ tự ý dùng kháng sinh cho trẻ mà không có chỉ định của cán bộ y tế... Để chương trình tiếp tục đạt hiệu quả cao, cùng với việc củng cố tổ chức mạng lưới cán bộ làm công tác ARI tuyến huyện, xã, phường, thôn xóm, ngành Y tế cần có kế hoạch tổ chức tập huấn đào tạo cho cán bộ làm công tác ARI từ tỉnh đến các xã, phường, thị trấn về kiến thức chuyên môn, quản lý cũng như kỹ năng giám sát truyền thông, hội thảo với y tế tư nhân để họ hiểu rõ hơn về chương trình ARI và hợp tác trong việc phòng chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em. Tổ chức tập huấn cho các cán bộ chuyên trách ARI tuyến xã, phường; tập huấn cho các bà mẹ có con từ 0-5 tuổi biết cách phát hiện sớm những trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính để chăm sóc điều trị tại nhà hoặc gửi đi khám... Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng và công tác tuyên truyền nhóm cho các bà mẹ có con dưới 5 tuổi. Tăng cường lồng ghép với các chương trình y tế và xã hội hóa công tác phòng, chống nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính trẻ em, tăng nguồn kinh phí mua sắm trang thiết bị, hoạt động giám sát, đào tạo huấn luyện, thông tin tuyên truyền./.
Bài và ảnh: Thu Trang