Rất nhiều trẻ em trong độ tuổi 6-12 tuổi bị đau bụng, có trẻ hay bị ợ hơi, ợ chua, cha mẹ cho rằng trẻ ăn không tiêu. Có khi trẻ nôn ra máu nhưng cha mẹ không biết vì sao. Đó là một vài triệu chứng có thể trẻ đã bị viêm dạ dày, tá tràng do Helicobacter pylori. Khi bị viêm dạ dày, tá tràng do H.pylori, trẻ thường bị đau bụng tái đi tái lại ở vùng thượng vị (trên rốn), cơn đau có khi làm trẻ thức dậy lúc nửa đêm, kèm theo chứng đầy hơi, ợ hơi, ợ chua, nôn ói, biếng ăn, có khi ói ra máu, đi phân đen. Khi trẻ bị bệnh, nên cho trẻ ăn uống theo chế độ bồi dưỡng, ăn thức ăn dễ tiêu (tránh dầu mỡ nhiều, không uống cà phê, trà, các chất có chứa cồn), không nên uống nước ngọt; tránh sử dụng một số thuốc gây ăn mòn niêm mạc dạ dày như Aspirin...
Nếu bệnh không được phát hiện, điều trị kịp thời thì trẻ dễ bị loét dạ dày, xuất huyết tiêu hóa. Về lâu dài, bệnh khiến trẻ bị suy dinh dưỡng, thiếu máu mãn tính. Đặc biệt, biến chứng xa của bệnh đã được nhiều nghiên cứu lý giải là có mối liên hệ về dịch tễ học giữa nhiễm H.pylori mãn tính (có thể nhiễm từ thuở ấu thơ) với sự phát triển ung thư tuyến dạ dày và lymphoma dạ dày khi trưởng thành.
Biện pháp phòng ngừa bệnh:
Bệnh viêm dạ dày, tá tràng lây truyền qua đường tiêu hóa, vì vậy cần phải giữ gìn vệ sinh ăn uống (rửa tay trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, không ăn uống hàng rong...). Ở trẻ em sống trong gia đình đông người, mức sống kinh tế thấp, thiếu tiện nghi vệ sinh có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Nên đưa trẻ đi khám bệnh khi trẻ có các triệu chứng gợi ý như trên để được làm các xét nghiệm chuyên khoa chẩn đoán: nội soi dạ dày, tá tràng, kết hợp sinh thiết tìm vi khuẩn H.pylori, tìm kháng nguyên vi khuẩn H.pylori trong phân...
Lưu ý: Nếu không cải thiện môi trường sống, không giữ gìn vệ sinh khi ăn uống... thì trẻ vẫn có thể bị tái nhiễm H.pylori./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định