Ô nhiễm ánh sáng đối với sức khỏe con người

07:03, 22/03/2012

Ô nhiễm ánh sáng là một trong những vấn đề đang tác động tiêu cực lên môi trường thiên văn, các loài sinh vật cũng như môi trường sinh thái tự nhiên, đồng thời ảnh hưởng đến việc sử dụng năng lượng của con người. Ô nhiễm ánh sáng được định nghĩa là việc lạm dụng ánh sáng nhân tạo quá mức cần thiết so với khả năng chịu đựng ánh sáng của con người và môi trường.

Ô nhiễm ánh sáng được phân chia thành 4 loại. Bốn loại ô nhiễm ánh sáng này không đơn lẻ mà thường kết hợp hoặc chồng lắp nhau:

- Ánh sáng xâm nhập: việc chiếu sáng quá mức cần thiết vào các khu dân cư về đêm.

- Lạm dụng ánh sáng: chiếu sáng ở những nơi không cần ánh sáng, chiếu sáng ngoài ý muốn gây lãng phí.

- Ánh sáng chói lòa: chiếu sáng với cường độ sáng quá mức gây hiệu ứng tiêu cực về mặt thị giác. Mức độ chói lòa quá cao có thể làm giảm thị lực.

- Ánh sáng lộn xộn: nhiều nguồn sáng được sử dụng quá mức cùng một lúc. Loại ô nhiễm ánh sáng này phổ biến ở các khu đô thị, góp phần gây ra các loại ô nhiễm ánh sáng còn lại.

Tác động đối với sức khỏe con người

Chói mắt:

Những khu vực được chiếu sáng quá mức gây chói mắt, khiến cho con người có phản xạ nhắm mắt hoặc ngoảnh mặt đi để màn ánh sáng không phân tán xuyên qua võng mạc. Những tác động tiêu cực của màn ánh sáng đối với mắt:

- Giảm độ tinh tế.
- Giảm khả năng nhận biết màu sắc.
- Giảm khả năng nhận biết độ tương phản.

Nhịp sinh học:

Nhịp sinh học, hay còn gọi là đồng hồ sinh học, là chu kỳ hoạt động trong vòng 24 giờ ảnh hưởng đến các quá trình sinh lý của hầu hết cơ thể sống. Những quá trình này bao gồm hoạt động của não bộ, sự sản xuất hormone (melatonin), các hoạt động của tế bào và nhiều hoạt động sinh học khác. Ô nhiễm ánh sáng có thể làm rối loạn nhịp sinh học, gây mất ngủ, suy nhược cơ thể, ung thư và các bệnh về tim mạch.

Ảnh minh họa/Internet.
Ảnh minh họa/Internet.

Melatonin:

Melatonin là một loại hormone được sản xuất một cách tự nhiên thông qua môi trường bóng tối và bị kìm hãm bằng ánh sáng. Hormone này có chức năng chủ yếu là điều chỉnh chu kỳ hằng ngày của các hoạt động mang tính hệ thống của con người. Vì vậy, bóng tối về đêm có tác dụng duy trì nhịp độ sản xuất melatonin ổn định. Bất kỳ loại ánh sáng nào cũng có thể gây rối loạn quá trình sản xuất melantonin ở người, nhưng ánh sáng có màu lam và bước sóng ngắn là có khả năng làm suy giảm melatonin nghiêm trọng nhất.

Rối loạn giấc ngủ:

Trong một thế giới hiện đại luôn được chiếu sáng thường trực như ngày nay, việc tiếp xúc thường xuyên với ánh sáng làm gia tăng nguy cơ rối loạn nhịp độ sinh hoạt, ảnh hưởng đến khả năng đi ngủ và thức dậy đúng giờ của con người, đồng thời tác động lên các quá trình chuyển hóa của cơ thể. Trong khi đó, một giấc ngủ đầy đủ có thể giúp cơ thể con người chống thừa cân, giảm stress, tái tạo sức lao động và giảm nguy cơ đái tháo đường.

Ô nhiễm ánh sáng và ung thư: Cộng đồng khoa học vẫn đang nghiên cứu về rối loạn nhịp sinh học và những hậu quả của sự suy giảm quá trình sản xuất melatonin gây ra do sự tiếp xúc ánh sáng quá mức. Các nhà nghiên cứu tin rằng tiếp xúc ánh sáng vào ban đêm làm hạn chế quá trình tổng hợp melatonin hoặc tăng quá trình sản sinh cortisol, về lâu dài có thể dẫn đến ung thư vú, ung thư ruột kết, trực tràng và ung thư tuyến tiền liệt.

Dù chưa xác định được chính xác lượng ánh sáng tiếp xúc về đêm bao nhiêu thì được xem là quá mức, nhưng các nhà khoa học có thể đưa ra khẳng định về những căn bệnh liên quan đến ánh sáng thường phổ biến ở những xã hội công nghiệp hóa. Một nghiên cứu của Đại học Haifa, Israel, kết luận rằng phụ nữ sống ở những vùng đô thị nhiều ánh sáng nhân tạo có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn 73% so với những phụ nữ ở những nơi tận dụng chiếu sáng tự nhiên. Nghiên cứu này so sánh ung thư vú với ung thư phổi thì nhận thấy ô nhiễm ánh sáng gia tăng khả năng ung thư vú nhưng không làm tăng khả năng ung thư phổi. Hiện nay Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã liệt kê “hoạt động trong ngày liên quan đến rối loạn nhịp sinh học” là một nhân tố gây ung thư.

Biện pháp giảm thiểu

- Sử dụng đèn có lồng cách nhiệt và giảm công suất chiếu sáng ngoài trời. Bóng đèn có lồng cách nhiệt (thường là lồng kính) tốn ít công suất và giúp tiết kiệm năng lượng, chi phí và giảm thiểu dấu chân sinh thái.

- Chỉ bật những bóng đèn thực sự cần thiết.

- Sử dụng đèn với các chức năng như hẹn giờ, làm mờ đèn hoặc chức năng kiểm soát cường độ ánh sáng đối với những không gian không cần chiếu sáng nhiều. Tắt các thiết bị chiếu sáng không cần thiết.

- Hạn chế ánh sáng trong phòng ngủ vào ban đêm.

Theo: Suckhoedoisong.vn



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com