Bệnh lao lây truyền chủ yếu qua đường hô hấp. Mọi người đều có thể bị nhiễm lao, nhất là người già và trẻ em. Bệnh lao có nhiều loại: lao phổi, lao hạch, lao xương, lao sinh dục… nhưng hay gặp là lao phổi.
Triệu chứng bệnh lao thường gặp:
- Ho khạc có đờm kéo dài trên 3 tuần, có thể ho ra máu.
- Đau tức ngực khó thở trên 3 tuần.
- Sốt nhẹ về chiều, hay ra mồ hôi trộm.
- Sút cân, mệt mỏi, kém ăn.
Khi gặp các triệu chứng trên, cần đến ngay cơ sở y tế khám, làm xét nghiệm để chẩn đoán bệnh sớm và được điều trị kịp thời.
Điều trị: Điều quan trọng là phát hiện bệnh sớm, điều trị đúng cách, đúng liều lượng, đều đặn, đủ thời gian, đúng phác đồ. Hiện nay, thuốc chữa bệnh lao được cấp miễn phí tại các cơ sở chống lao trên cả nước.
Một số biến chứng: Nếu điều trị không đủ liều, không đều đặn, điều trị dang dở, ngắt quãng hoặc lạm dụng thuốc thì bệnh lao sẽ tái phát và sẽ rất khó khăn, thậm chí nguy hiểm vì lao kháng thuốc. Một số biến chứng thường gặp là:
- Tràn dịch, tràn mủ màng phổi.
- Tràn khí màng phổi tự phát.
- Ho ra máu.
- Lao thanh quản.
- Bệnh tim - phổi.
Phòng bệnh:
- Một trong những yếu tố thuận lợi để dễ nhiễm, phát bệnh lao là sức đề kháng cơ thể sút kém, do vậy chế độ dinh dưỡng, lao động, học tập, rèn luyện thể dục thể thao và nghỉ ngơi hợp lý là rất quan trọng. Phải từ bỏ những thói quen xấu như hút thuốc lá, uống rượu và thức khuya…
- Khi có ho khạc kéo dài trên 3 tuần, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán bệnh sớm và điều trị kịp thời.
- Khi có ho khạc cũng như khi đã được chẩn đoán và điều trị cần đeo khẩu trang thường xuyên, khạc nhổ vào ca hoặc bô có nắp đậy rồi đem đốt để tránh lây lan sang người khác.
- Trẻ 1 tháng tuổi phải được tiêm vắc xin BCG để phòng bệnh lao./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định