Kết quả bước đầu từ dự án phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

08:12, 13/12/2011

Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh tiếp nhận chương trình điều trị dự phòng lây truyền mẹ con do tổ chức Life Gape tài trợ và bắt đầu triển khai tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh từ tháng 7-2008. Triển khai chương trình, các cán bộ của Bệnh viện Phụ sản tỉnh đã được bồi dưỡng các kiến thức về lây truyền từ mẹ sang con và các quy trình điều trị lây truyền từ mẹ sang con, đồng thời được đầu tư trang bị các phương tiện cần thiết để làm việc, được cung cấp nguồn thuốc ARV, cung cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ cho trẻ sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV. Từ năm 2008 đến nay, bệnh viện đã tư vấn xét nghiệm HIV cho hàng vạn thai phụ, điều trị phòng lây truyền mẹ con (PLTMC) cho hàng chục phụ nữ mang thai nhiễm HIV, cung cấp sữa ăn thay thế sữa mẹ cho 100% trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV trong 6 tuần đầu sau sinh... Đến nay, bệnh viện đã thành công trong việc điều trị cho những cháu bé được sinh ra từ bà mẹ bị nhiễm HIV theo pháp đồ của Life Gape với kết quả cao, tỷ lệ lây nhiễm giảm xuống còn 5/100.

Khám bệnh cho bệnh nhi tại Trạm Y tế xã Hải Đường (Hải Hậu).
Khám bệnh cho bệnh nhi tại Trạm Y tế xã Hải Đường (Hải Hậu).

Bác sỹ Trịnh Thị Oanh, Trưởng khoa Đỡ đẻ, Bệnh viện Phụ sản tỉnh, người trực tiếp điều trị cho các sản phụ mang thai có HIV cho biết: Tỷ lệ sản phụ có HIV vào sinh đẻ tại bệnh viện qua các năm chiếm khoảng 0,24-0,29% số sản phụ vào sinh đẻ. Tổng số sản phụ được điều trị dự phòng khi mang thai từ năm 2008 đến năm 2010 là 16/88, trong đó phần lớn là được điều trị dự phòng khi chuyển dạ đẻ và sau khi sinh. Đặc biệt, do làm tốt công tác truyền thông nên tỷ lệ phụ nữ nhiễm HIV mang thai có nguyện vọng sinh con đã giảm từ 0,29% hàng năm xuống còn 0,20% (năm 2011) trong tổng số sản phụ vào đẻ. Trong khi đó, tỷ lệ sản phụ được điều trị dự phòng khi mang thai vào sinh đẻ lại tăng cao, năm 2011 lên tới 41,1%.

Để điều trị PLTMC, Bệnh viện Phụ sản đã tuân thủ đúng theo phác đồ điều trị của Life Gape về phòng lây truyền mẹ con, giới thiệu cho thai phụ có HIV sang phòng khám ngoại trú để được điều trị nếu có chỉ định, đồng thời tiếp tục theo dõi thai nghén. Thai phụ nhiễm HIV chỉ điều trị PLTMC thì tư vấn điều trị cho họ theo phác đồ AZT từ tuần thai thứ 28, đồng thời phát sữa và thuốc bổ nâng cao thể trạng cho mẹ. Khi họ chuyển dạ, áp dụng phác đồ PLTMC khi chuyển dạ cho mẹ và cho trẻ sau khi sinh, đồng thời nuôi dưỡng trẻ bằng sữa thay thế sữa mẹ, cấp sữa cho trẻ 6 tuần đầu sau sinh… Khi được điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, tỷ lệ các cháu bị lây truyền HIV từ mẹ đã giảm đi rõ rệt. Sau khi điều trị dự phòng lây truyền mẹ con, trẻ được uống thuốc kháng vi rút trong 1 tuần và dùng sữa thay thế sữa mẹ. Sau đó trẻ được chuyển sang Bệnh viện Nhi tỉnh chăm sóc sức khỏe và theo dõi tình trạng nhiễm HIV của trẻ sinh ra từ mẹ có HIV theo quy định của Bộ Y tế…

Chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh đã và đang tích cực góp phần hạn chế tốc độ gia tăng nhiễm HIV nói chung và tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con nói riêng ở tỉnh ta./.

Bài và ảnh: Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com