“Dân số già” và vấn đề chăm sóc người cao tuổi

08:11, 07/11/2011

Qua số liệu điều tra năm 2010 của Tổng cục Dân số - KHHGĐ, tỷ lệ người cao tuổi từ 60 tuổi trở lên của nước ta chiếm 9,45% tổng dân số, sát ngưỡng “dân số già” (10% tổng dân số). Dự tính đến năm 2020, tỷ lệ người cao tuổi của Việt Nam là 18%. Số lượng người cao tuổi ở nước ta không ngừng gia tăng nhưng phần lớn không có lương hưu, không có tích luỹ, sống phụ thuộc vào con cháu, tỷ lệ người cao tuổi khoẻ mạnh thấp… gây sức ép lớn trong việc bảo đảm an sinh xã hội. “Dân số già” khiến lực lượng lao động giảm. Với những người cao tuổi sống ở vùng nông thôn, là nông dân và làm nông nghiệp không có lương hưu vẫn phải tham gia lao động để kiếm sống. Mặt khác, tình trạng người cao tuổi phải sống cô đơn ngày càng tăng, do cấu trúc gia đình truyền thống bị phá vỡ, đã ảnh hưởng lớn đến tâm lý và đời sống tinh thần người cao tuổi.

Để đối phó với những thách thức của sự “già hoá” dân số, mới đây hội thảo “Già hoá dân số và định hướng xây dựng chương trình hành động quốc gia về người cao tuổi Việt Nam giai đoạn 2012-2020” đã đưa ra những kiến nghị tích cực để giải quyết “bài toán” già hoá dân số của Việt Nam. Hiện nay, đối tượng người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội từng bước được mở rộng, mức trợ cấp ngày càng tăng (từ 45 nghìn đồng - năm 2000 lên 180 nghìn đồng - năm 2010), mức sống của người cao tuổi đã từng bước được cải thiện, nhưng khoản trợ cấp này mới chỉ đáp ứng được phần nào nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của họ. Mức độ bao phủ của các chính sách xã hội chưa bao quát hết được nhóm người cao tuổi gặp khó khăn nên nhiều người cao tuổi vẫn sống dưới mức chuẩn nghèo. Vì vậy, Đảng và Nhà nước cần tiếp tục đưa ra các chủ trương, chính sách, các quy định của pháp luật về nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cũng như chăm sóc sức khoẻ và phát huy vai trò của người cao tuổi trong cộng đồng. Bên cạnh đó, cần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về già hoá dân số và tác động của tình trạng này tới sự phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các chỉ tiêu về cải thiện đời sống như ăn ở, đi lại, đảm bảo khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ và trợ giúp người cao tuổi nghèo có hoàn cảnh đặc biệt thông qua việc phát triển hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi, các trung tâm dưỡng lão. Ngoài ra, cần tạo nhiều việc làm phù hợp với người cao tuổi, tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội như cải cách chế độ hưu trí, đa dạng hoá các loại hình bảo hiểm, mở rộng đối tượng người cao tuổi được nhận trợ cấp để từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người cao tuổi...

Tỉnh ta hiện có hơn 43 nghìn người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng. Với số lượng người cao tuổi ngày càng gia tăng, các cấp Hội Người cao tuổi đã tham mưu tích cực với cấp uỷ Đảng, chính quyền thực hiện các chế độ chính sách đối với người cao tuổi đảm bảo công khai, dân chủ. Hội Người cao tuổi tỉnh phát động thực hiện cuộc vận động “Toàn xã hội chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi” nhằm tạo sự chuyển biến trong từng gia đình, cộng đồng dân cư và toàn xã hội về ý thức trách nhiệm đối với việc chăm sóc, phát huy vai trò của người cao tuổi trong tình hình mới, tạo ra phong trào quần chúng sâu rộng, để người cao tuổi thực sự sống vui, sống khoẻ, sống có ích. Bản thân người cao tuổi cũng tích cực phát triển kinh tế, đóng góp vào các hoạt động xã hội, nâng cao đời sống tinh thần qua việc tham gia các CLB dưỡng sinh, CLB thơ ca ở địa phương. Toàn tỉnh hiện có hơn 16 nghìn người cao tuổi làm kinh tế giỏi, gần 50 nghìn người cao tuổi trực tiếp làm công tác khuyến học, hàng chục nghìn người làm bí thư chi bộ, trưởng thôn xóm, tổ trưởng dân phố, cán bộ ban công tác Mặt trận… Đóng góp không nhỏ của người cao tuổi sẽ hạn chế được rất nhiều khó khăn khi dân số tỉnh ta nói riêng, nước ta nói chung bước vào giai đoạn “dân số già”./.

Lam Hồng

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com