Iốt là vi chất dinh dưỡng rất cần thiết cho sự phát triển của cơ thể, nhất là sự tổng hợp hoóc môn tuyến giáp. Nhờ các hoóc môn này, tuyến giáp bảo đảm sự hoạt động của nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể như: duy trì thân nhiệt, đảm bảo quá trình chuyển hoá tạo ra năng lượng cho cơ thể, phát triển xương, phát triển của não và hệ thần kinh trong thời kỳ bào thai... Thiếu iốt sẽ gây ra nhiều rối loạn, nhất là những tác động ảnh hưởng đến sự phát triển của các tế bào thần kinh từ giai đoạn còn là bào thai và 3 năm đầu đời.
- Thiếu iốt ở phụ nữ trong thời kỳ mang thai có thể gây ra xảy thai, thai chết lưu, đẻ non. Khi thiếu iốt nặng, trẻ sinh ra dễ bị đần độn, tổn thương não vĩnh viễn. Trẻ sơ sinh có thể bị liệt tay, chân, nói ngọng, câm, điếc, mắt lác.
- Thiếu iốt trong thời kỳ niên thiếu gây ra bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chậm lớn, nói ngọng, nghễnh ngãng. Trong một số trường hợp nặng, trẻ có thể bị đần độn, liệt cứng hai chân.
- Thiếu iốt ở người lớn gây ra bướu cổ, mệt mỏi, không linh hoạt và giảm khả năng lao động.
Có thể phòng ngừa các rối loạn do thiếu iốt bằng cách bổ sung lượng iốt vào mỗi bữa ăn hằng ngày. Những thức ăn từ biển (cá, sò, rong biển) là những thực phẩm giàu iốt. Hai biện pháp chủ yếu đang được áp dụng trong phòng, chống bệnh là:
- Sử dụng muối iốt trong bữa ăn.
- Ở một số vùng có tỷ lệ bướu cổ cao hơn 30% thì dùng dầu iốt để hạ nhanh tỷ lệ bướu cổ cho các đối tượng ưu tiên là trẻ em dưới 15 tuổi và phụ nữ từ 15-45 tuổi.
Mỗi ngày, mỗi người sử dụng từ 5-10g muối iốt là an toàn.
* Một số lưu ý khi sử dụng muối iốt
- Chọn bao muối có nhãn mác in rõ ràng, không rách.
- Muối phải khô, không ẩm ướt; không có mùi đặc biệt.
- Bảo quản: Muối iốt trong hộp hay lọ kín có nắp, tránh để quá gần bếp lửa, ánh sáng soi trực tiếp vào muối tránh làm mất lượng iốt có trong muối./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK (Sở Y tế)