Phòng chống bệnh thường gặp ở trẻ em vào mùa đông xuân

10:11, 18/11/2011
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Sự thay đổi thời tiết chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm, cùng với độ ẩm thấp, khô hanh của mùa đông, độ ẩm cao những ngày nồm, mưa phùn của mùa xuân làm trẻ dễ bị viêm, xung huyết đường hô hấp trên, làm giảm sức đề kháng và tạo điều kiện cho mầm bệnh sẵn có trên đường hô hấp phát triển hoặc lây nhiễm từ người bị bệnh ho, hắt hơi làm bắn mầm bệnh vào môi trường theo nước bọt. Tác nhân gây bệnh là virút, vi khuẩn. Bệnh hay gặp là cảm cúm, viêm họng, viêm hạch và lan xuống phế quản, phổi gây viêm khí phế quản, viêm phổi, có thể dẫn đến suy hô hấp, nhiễm trùng máu rất nguy hiểm dễ dẫn đến tử vong.

Cảm cúm: Bệnh thường đến đột ngột với những biểu hiện: sốt, sổ mũi, chảy nước mắt, đau họng, đau đầu, mệt mỏi, trẻ nhỏ quấy khóc. Cảm cúm rất dễ lây lan, là bệnh phổ biến ít nguy hiểm nhưng khi bị nhiễm vi khuẩn thì gây ra nhiều bệnh nguy hiểm như trên.

Viêm họng cấp: Với những biểu hiện trẻ đau họng, ho có đờm và sốt rất cao. Bệnh có thể gây biến chứng dẫn đến bệnh thấp khớp, thấp tim, viêm cầu thận cấp, viêm phế quản, viêm phổi rất nguy hiểm.

Viêm Amydan và viêm VA cấp: Hay gặp ở trẻ từ 3-7 tuổi. Trẻ viêm Amydan cấp và viêm VA cấp đều có biểu hiện sốt cao 39-400C, đau họng, khó nuốt, mệt mỏi, ăn uống kém. Nếu không được chẩn đoán kịp thời, bệnh sẽ chuyển sang mãn tính rất khó điều trị. Bệnh mãn tính sẽ gây hậu quả là trẻ ăn uống kém, suy dinh dưỡng, còi xương, chậm lớn.

Viêm khí phế quản, viêm phổi: Trẻ bị bệnh có những biểu hiện: Sốt nhẹ 38-390C (trẻ suy dinh dưỡng có thể không sốt), bỏ bú, quấy khóc, môi khô, nặng hơn thở nhanh, khó thở; co rút lõm ức, môi, đầu chi tím tái và rối loạn nhịp thở. Khi trẻ bị nặng cần được chăm sóc, theo dõi ở cơ sở y tế.

* Để phòng bệnh viêm đường hô hấp hay gặp trên, cần chú ý:
- Tiêm chủng cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.

- Chăm sóc vệ sinh cho trẻ, nhất là tay, chân, miệng, nuôi dưỡng trẻ đúng cách đủ chất, đủ lượng. Không cho trẻ tiếp xúc với khói thuốc, khói bếp, với trẻ và những người mắc bệnh truyền nhiễm. Giữ ấm cho trẻ, hạn chế cho trẻ ra ngoài. Chỗ nằm, chơi của trẻ cần được kín gió.

- Vệ sinh môi trường, vệ sinh nhà cửa, nhà trẻ, nhà trường đảm bảo sạch sẽ, thoáng nhưng kín gió.
- Phát hiện sớm tình trạng bệnh của trẻ để được khám và điều trị kịp thời./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK (Sở Y tế)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com