HIV/AIDS - đại dịch thế kỷ

09:11, 25/11/2011

Bệnh AIDS là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do vi rút HIV gây nên. Đây là giai đoạn cuối cùng của nhiễm HIV, vi rút tấn công làm cho người bệnh không còn khả năng chống đỡ với bệnh tật nên người bệnh dễ mắc các bệnh nhiễm trùng, ung thư dẫn đến tử vong.

Khi bệnh nhân bị nhiễm HIV, thời kỳ đầu có biểu hiện: cảm cúm, sốt, vã mồ hôi, mệt mỏi, đau họng, phát ban như sởi hoặc sẩn ngứa ngoài da. Sau vài tháng đến nhiều năm, bệnh nhân có vẻ khỏe mạnh bình thường nhưng thực chất đang mang mầm bệnh và có thể lây truyền bệnh cho người khác. Cách duy nhất là kiểm tra, xét nghiệm máu mới phát hiện được HIV.

Khi chuyển sang giai đoạn AIDS, bệnh nhân có các biểu hiện: Sút cân tự nhiên, sút trên 10% trọng lượng cơ thể; sốt kéo dài trên 1 tháng; tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng; ngoài ra bệnh nhân bị ho dai dẳng hàng tháng, ban đỏ, ngứa da toàn thân, mụn rộp, giời leo tái phát, nổi hạch nhiều nơi trên cơ thể, cuối cùng người bệnh sẽ chết vì các bệnh như viêm phổi, lao, viêm màng não, ung thư.

HIV có nồng độ cao trong máu người nhiễm, trong dịch não tuỷ, trong dịch tiết của cơ quan sinh dục, trong sữa mẹ, dịch màng bụng, màng phổi nên HIV có thể truyền qua 3 đường:

- Lây truyền qua đường tình dục, đây là phương thức truyền bệnh phổ biến nhất.

- Lây truyền qua đường máu. Do bệnh nhân được các cơ sở y tế truyền máu hay các sản phẩm của máu của người nhiễm HIV, bị dính máu hoặc dịch của người nhiễm HIV qua các vết thương hở, dùng chung bơm kim tiêm với người nhiễm HIV mà không được tiệt trùng cẩn thận, các vật dụng gây tổn thương và xuyên qua da như: dao cạo râu, dụng cụ xâu lỗ tai, xăm mình và các dụng cụ y tế khác.

- Truyền từ mẹ sang con. Người mẹ nhiễm HIV có thể truyền sang con trong lúc mang thai, lúc đẻ, cho con bú ngay sau sinh.

Cách phòng nhiễm HIV/AIDS:

- Không quan hệ trước hôn nhân và ngoài hôn nhân, sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục, khám chẩn đoán và điều trị kịp thời các bệnh lây truyền qua đường tình dục như lậu, giang mai nếu có.

- Không nghiện chích ma tuý, sử dụng bơm kim tiêm một lần, nếu dùng chung phải luộc sôi trong 20 phút trước khi dùng. Dùng riêng các đồ dùng cá nhân như dao cạo râu, bàn chải đánh răng. Khi tiếp xúc với máu và dịch của người nhiễm HIV phải tuân thủ các quy định chuyên môn như: đeo găng tay, đeo kính, khẩu trang, đi khám và điều trị các bệnh có nguy cơ thiếu máu như sốt rét, giun móc. Chỉ truyền máu khi đã xét nghiệm không có HIV.

- Phòng lây nhiễm từ mẹ sang con, nên xét nghiệm trước khi kết hôn, người nhiễm HIV không nên xây dựng gia đình, không nên có thai, không nên có con. Nếu mang thai phải đến các cơ sở y tế khám và điều trị dự phòng.

Người nhiễm HIV nên đến cơ sở y tế để được theo dõi bệnh, hướng dẫn cách tự chăm sóc sức khỏe bản thân và phòng lây nhiễm cho gia đình và cộng đồng. Các bệnh nhân AIDS cần được chuyển đến cơ sở y tế để được điều trị./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK (Sở Y tế)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com