Thừa cân, béo phì ở trẻ nhỏ và cách phòng tránh

02:10, 20/10/2011

Tình trạng trẻ thừa cân, béo phì đang tăng nhanh, đặc biệt ở khu vực thành phố. Không chỉ những trẻ bụ bẫm mà ở cả trẻ bị suy dinh dưỡng, nguy cơ béo phì sau đó sẽ cao hơn bạn bè cùng lứa có cân nặng bình thường.

Có nhiều yếu tố dẫn đến thừa cân, béo phì, trong đó, phổ biến nhất là tình trạng năng lượng khẩu phần vượt quá nhu cầu, nhất là năng lượng do chất béo, bột, đường cung cấp. Trẻ được nuôi bằng sữa bò có nguy cơ thừa cân, béo phì cao hơn trẻ bú sữa mẹ, vì thức ăn nhân tạo giàu protein và muối, làm tăng áp lực thẩm thấu, kích thích trẻ ăn nhiều hơn. Giảm hoạt động thể lực cũng là yếu tố nguy cơ cao của thừa cân, béo phì. Hiện có nhiều trẻ không tham gia các hoạt động thể dục thể thao mà dành nhiều thời gian cho hoạt động tĩnh như xem vô tuyến, chơi điện tử. Ngủ ít cũng gây béo vì làm giảm tiêu mỡ (quá trình này diễn ra mạnh nhất vào ban đêm khi ngủ). Nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước đã chứng minh mối liên quan giữa thời gian ngủ ngắn với chứng béo phì. Cân nặng quá cao lúc đẻ cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến béo phì. Sự mất cân bằng trong chế độ ăn của mẹ khi mang thai sẽ tạo nên tình trạng dư thừa mỡ ở trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là trẻ nhẹ cân sẽ hoàn toàn thoát khỏi nỗi lo này. Nguyên nhân có thể là trẻ suy dinh dưỡng mạn tính có khối nạc thấp chuyển hoá cơ bản và hoạt động thể lực giảm. Khi cung cấp đủ năng lượng, trẻ sẽ tích luỹ mỡ rất nhanh.

Chứng thừa cân, béo phì ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ của trẻ khi trưởng thành. Những trẻ béo sẽ ngừng tăng trưởng sớm. Trước dậy thì, chúng thường cao hơn so với tuổi nhưng khi dậy thì, chiều cao ngừng phát triển và trẻ có xu hướng thấp hơn so với bạn bè. Ngoài ra, chứng béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, sỏi mật, viêm khớp...

Để dự phòng thừa cân và béo phì, cần chăm sóc tốt cho trẻ từ trong bào thai để tránh thiếu hoặc thừa dinh dưỡng ở trẻ sơ sinh. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, chỉ cai sữa sau 2 năm. Nếu phải nuôi bằng sữa bột, không nên sử dụng thêm đường hay tinh bột. Khi trẻ ăn dặm, thức ăn phải được bổ sung vi chất dinh dưỡng cần thiết để giúp tăng trưởng tối đa.

Điều quan trọng là theo dõi tăng trưởng của trẻ ở mọi lứa tuổi qua chỉ số cân nặng, chiều cao để phát hiện sớm nguy cơ suy dinh dưỡng hoặc thừa cân, béo phì ở trẻ để xử lý kịp thời./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com