Những điều cần biết về bệnh tâm thần phân liệt

02:10, 20/10/2011

Tâm thần phân liệt (TTPL) là một bệnh tâm thần nặng, tiến triển từ từ, căn nguyên chưa rõ ràng, làm biến đổi nhân cách người bệnh theo kiểu phân liệt, khiến người bệnh tách dần khỏi cuộc sống bên ngoài, sống khép kín, tình cảm khô lạnh dần, khả năng làm việc ngày một sút kém và có những hành vi kỳ dị khó hiểu. Bệnh này đang ngày càng phổ biến, chiếm tỷ lệ từ 0,3-1% dân số. Đặc điểm lâm sàng của bệnh rất đa dạng, triệu chứng giai đoạn đầu có thể rầm rộ hoặc âm thầm, khởi phát cấp, bán cấp hoặc từ từ. Tuy nhiên có 2 đặc tính cơ bản sau đây để phân biệt với các bệnh tâm thần khác:

* Tính tự kỷ và tính thiếu hoà hợp:

- Tính tự kỷ: Hoạt động tâm thần của bệnh nhân tách rời khỏi thực tại. Các biểu hiện tâm thần không do các kích thích bên ngoài khởi động, người bệnh hoàn toàn thu hút vào thế giới riêng biệt của mình. Họ bỏ nghề nghiệp đang làm, bỏ học tập, ít tiếp xúc với người thân, không quan tâm đến xung quanh, có những hành vi, lời nói mà chỉ riêng họ hiểu được mà thôi.

- Tính thiếu hoà hợp: Đây là sự rối loạn về tính thống nhất, toàn vẹn các mặt hoạt động tâm thần, sự không phù hợp của hoạt động tâm thần với các kích thích bên ngoài.

* Giảm sút thế năng tâm thần:

Một người bệnh TTPL luôn có sự giảm sút về hoạt động tâm thần, biểu hiện trên các lĩnh vực: học tập, hiệu quả công việc, quan hệ xã hội, chăm sóc bản thân... không giống như trước đây.

Ngoài hai triệu chứng cơ bản trên, bệnh nhân còn biểu hiện một số triệu chứng đi kèm như: hoang tưởng, ảo giác, rối loạn hành vi tác phong, căng trương lực... Dựa vào triệu chứng biểu hiện rõ nét nhất để chia bệnh TTPL thành các thể khác nhau gồm: TTPL thể hoang tưởng; TTPL thể thanh xuân; TTPL thể căng trương lực; TTPL thể biệt định; TTPL thể trầm cảm sau phân liệt; TTPL thể di chứng; TTPL thể đơn thuần.

* Điều trị bệnh tâm thần phân liệt:

Điều trị bệnh TTPL nhằm mục đích khắc phục các trạng thái rối loạn tâm thần cấp, củng cố giai đoạn bệnh thuyên giảm, chống tái phát và tổ chức phục hồi chức năng lao động để bệnh nhân sớm hoà nhập cộng đồng. Bệnh nhân phải tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sỹ như: uống thuốc đều, đủ liều, đúng giờ mỗi ngày. Tuyệt đối không tự ý tăng, giảm hoặc ngừng dùng thuốc đột ngột. Bệnh nhân cần khám định kỳ để bác sỹ theo dõi, điều chỉnh đơn thuốc phù hợp. Muốn điều trị có kết quả và giảm tối đa các sa sút về tâm thần của người bệnh thì việc phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời là một việc rất cần thiết và quan trọng./.

 Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK (Sở Y tế)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com