Phòng, chống tai biến mạch máu não

10:09, 22/09/2011

Tai biến mạch máu não là bệnh phổ biến ở nước ta cũng như thế giới. Bệnh gây tử vong cao và khi bị tai biến dễ bị liệt nửa người. Để phòng ngừa tai biến mạch máu não,  cần quan tâm tới các yếu tố sau:

- Mọi người cần biết số đo huyết áp của mình, người trên 60 tuổi kiểm tra huyết áp ít nhất 1 lần/tuần. Khi huyết áp tăng lên trên 160/90mmHg cần theo dõi thường xuyên và điều trị để huyết áp ở mức dưới 140/90mmHg.

- Khi thấy huyết áp lúc tăng, lúc giảm thất thường, cần phải được theo dõi sát và dùng thuốc, chú ý cơn tăng kịch phát vì dễ gây tai biến.

- Cần sinh hoạt điều độ: nghỉ ngơi, ngủ, tập luyện hợp lý và làm việc khoa học theo hướng dẫn của thầy thuốc. Tập thể dục nhẹ nhàng phù hợp với sức khoẻ từng người như xoa bóp toàn thân, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, vỗ tay, vận động tại chỗ cho khí huyết lưu thông, không nên ngồi một chỗ suốt ngày.

- Ăn uống đủ chất, không ăn quá no, không ăn các thức ăn quá lạnh, quá mặn... Tăng cường ăn rau quả tươi, để bổ sung các loại muối khoáng như Kali, các chất xơ, các chất chống lão hoá, hạn chế ăn các loại mỡ nhất là bơ, mỡ bò, mỡ lợn, các chất chứa nhiều cholesterol như óc, gan, lòng đỏ trứng...

- Tránh các chấn thương về tinh thần (Stress) như cảm xúc mạnh, tức giận quá mức, lo nghĩ thái quá...

- Giữ ấm toàn thân về mùa đông. Mặc ấm, chú ý vùng đầu, cổ, ngực, bàn chân, bàn tay. Tránh gió lùa, ban đêm không nên ra ngoài phòng đi đại tiện. Khi ngủ dậy buổi sáng cần xoa bóp vùng đầu, cổ, ngực. Về mùa hè không dùng điều hòa quá lạnh, nhiệt độ tốt nhất khoảng 26-270C.

- Tránh thức khuya, dậy sớm, không hút thuốc lá, uống rượu, bia, cà phê đặc.

- Đề phòng và điều trị nguy cơ có sự phối hợp với các bệnh tim mạch khác như suy tim, loạn nhịp, đái tháo đường, xơ vữa động mạch...

- Khi huyết áp tăng cần phải điều trị theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, vì chữa bệnh tăng huyết áp là điều trị lâu dài nên người bệnh cũng phải biết cách tự dùng thuốc, tự chọn thuốc phù hợp với mình. Nên mua máy đo huyết áp để tự kiểm tra định kỳ.

- Nếu thấy hiện tượng thiếu máu như: tê mỏi, tê nửa người, nói khó, nói ngọng, nhìn mờ, nhìn đôi, loạng choạng, tim đập không đều, đánh trống ngực, khó thở thì cần đến ngay bác sĩ chuyên khoa.

- Mỗi ngày có 1 phiếu sức khoẻ (ghi tên, địa chỉ, tiểu sử bệnh tật) cho mình để sẵn trong túi để khi khám bác sĩ dễ biết, đặc biệt khi choáng ngất, không nói được thì đây là cơ sở để thầy thuốc chẩn đoán và điều trị kịp thời./.

(Nguồn: Trung tâm Truyền thông
- GDSK Nam Định
)

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com