Bệnh dại do vi rút dại gây nên. Vi rút dại dễ bị tiêu diệt bởi ánh sáng, các chất tẩy rửa như xà phòng… Vi rút xâm nhập vào cơ thể con người qua nước bọt của súc vật bị dại cắn hay giết mổ súc vật bị dại (da tay bị xây sát tổn thương) hoặc dẫm phải nước dãi súc vật bị dại (khi da chân bị xây sát). Vi rút vào cơ thể lan theo trục thần kinh đến hạch tủy sống, lên não bộ gây ra những biểu hiện điển hình của bệnh.
Ở súc vật, chó bị bệnh thường hung hãn, tiếng sủa khàn, chảy nhiều dãi, đi lang thang, ăn cây cỏ, liệt hàm dưới, tứ chi và toàn thân rồi chết. Mèo cũng có biểu hiện tương tự và thích nằm chỗ tối.
Ở người, thời gian ủ bệnh không rõ ràng, có thể là vài ngày hoặc lâu hơn. Người bị súc vật bị dại cắn thường có biểu hiện mệt mỏi, nhức đầu, ngứa ở vết cắn. Sau đó là sợ gió, sợ nước do khi tiếp xúc các cơ bắp, cơ thanh, khí quản co thắt. Các cơn co thắt đau đớn tăng lên và dữ dội, có thể làm bệnh nhân chết ngay. Bệnh nhân cũng tăng tiết đờm dãi, kích thích la hét, hung dữ từng cơn, giữa các cơn có thể trở lại bình thường. Cũng có thể liệt chân tay, lờ đờ rồi chết. Từ khi có biểu hiện bệnh đến khi chết thường 3-4 ngày. Có nhiều trường hợp tử vong đáng tiếc mà nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan, kém hiểu biết khi chăm sóc, điều trị ngay sau khi bị súc vật bị dại cắn. Vì khi bệnh đã khởi phát thì không thể chữa trị được.
Do vậy, khi bị súc vật (chó, mèo) cắn thì việc xử lý ngay sau đó rất quan trọng. Trước hết, cần phải rửa vết thương bằng nước sạch và xà phòng. Sau đó đến ngay cơ sở y tế để được sát trùng bằng cồn 70 độ hay cồn I-ốt, chống nhiễm trùng vết thương và tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Để phòng bệnh dại, cần bỏ thói quen nuôi súc vật thả rông, bằng cách nuôi xích, nhốt, khi thả súc vật nuôi ra đường phải cho mang rọ mõm. Súc vật nuôi phải được tiêm phòng đầy đủ. Những người bị chó, mèo nghi bị dại cắn nhất thiết phải đi tiêm phòng sớm và đầy đủ./.
(Sở Y tế)