Tăng huyết áp là một bệnh phổ biến trong cộng đồng và số người mắc tăng theo độ tuổi. Nó được mệnh danh là “kẻ giết người thầm lặng”, vì phần lớn bệnh không có triệu chứng cụ thể mà chỉ được phát hiện khi đã gây ra những tai biến nghiêm trọng hoặc khi được đo huyết áp. Tăng huyết áp thường diễn biến “âm thầm” nhưng hậu quả lại rất nặng nề như hôn mê do tai biến mạch máu não, di chứng liệt nửa người, suy tim, thiếu máu cơ tim, suy thận,... có thể gây tử vong. Nguyên tắc chung trong điều trị bệnh tăng huyết áp là phải kiểm soát huyết áp mục tiêu ở mức dưới 140/90 mmHg. Những bệnh nhân có thêm bệnh tiểu đường, suy tim, suy thận phải kiểm soát huyết áp mục tiêu thấp hơn 130/85mmHg. Đối với người bệnh, bên cạnh việc dùng thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ, vấn đề ăn uống và tập luyện có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc điều trị và phòng ngừa biến chứng của bệnh.
Chế độ ăn uống ở bệnh nhân tăng huyết áp
Người bị tăng huyết áp phải ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, không nên ăn quá no, không được nhịn ăn hay bỏ bữa và cần chú ý:
- Người bị tăng huyết áp cần phải ăn nhạt, không quá 5-6g muối/ngày (vì ăn mặn sẽ gây giữ nước trong máu, làm tăng huyết áp). Cần hạn chế ăn các loại thức ăn chế biến sẵn như giò, chả, đồ xông khói, các món muối tẩm ướp vì trong quá trình chế biến cho nhiều muối.
- Người bị tăng huyết áp cần hạn chế ăn trứng, não và các phủ tạng động vật; hạn chế tối đa chất béo, như: thịt mỡ, bơ, da các loại gia súc, gia cầm trong khẩu phần ăn và các món xào vì chứa nhiều calo.
- Hạn chế tối đa việc dùng đường, bánh kẹo ngọt, uống bia, rượu, hút thuốc lá.
- Tăng cường ăn rau xanh, hoa quả, ăn nhiều các loại hoa quả có chứa kali, magiê và các nguyên tố vi lượng khác có trong khoai tây, rong biển, chuối, dưa hấu, cà tím...
Nếu người bị tăng huyết áp thừa cân cần phải thực hiện chế độ ăn giảm béo, điều chỉnh cân nặng về mức hợp lý.
Tập luyện thể dục, rèn luyện sức khoẻ
Các nhà tim mạch hàng đầu thế giới đã khẳng định rằng tập luyện thể dục, rèn luyện sức khoẻ là một trong những phương pháp chữa bệnh tăng huyết áp hữu hiệu không dùng thuốc. Cơ sở sinh lý của việc rèn luyện sức khoẻ ở bệnh nhân tăng huyết áp là điều hoà lượng cholesterol trong máu, kiềm chế xơ vữa động mạch, làm giãn và tăng tính đàn hồi của các mạch máu trong các cơ hoạt động và giảm sức cản máu ngoại biên - dẫn đến làm giảm huyết áp. Nhưng cần nhớ rằng, phải qua 2-3 tháng tập luyện thường xuyên, huyết áp mới bắt đầu hạ xuống, do vậy tập luyện đòi hỏi phải kiên trì. Chương trình tập luyện ở bệnh nhân tăng huyết áp mang tính cá nhân, phụ thuộc vào mức độ tăng huyết áp, tình trạng sức khoẻ mà có thể chọn cho mình hình thức tập phù hợp như đi bộ nhanh, chạy bước nhỏ, hoặc luân phiên giữa đi bộ nhanh và chạy bước nhỏ. Nguyên tắc tập luyện phải thường xuyên, liên tục và nâng dần tốc độ hoặc thời gian tập, không nên sử dụng những bài tập nặng, làm việc quá sức.
* Chú ý:
- Những bệnh nhân có huyết áp tăng quá 160/90mmHg thì luyện tập phải kết hợp với dùng thuốc hạ huyết áp (uống trước khi tập 15-30 phút).
- Chú ý giữ ấm, tránh gió lạnh. Buổi sáng nên rửa mặt và súc miệng bằng nước ấm.
- Xây dựng nếp sống lạc quan, vui vẻ, tránh lo âu buồn phiền, xúc động mạnh. Tức giận và lo lắng cực độ đều có thể gây ra đứt mạch máu não, dẫn tới đột quỵ.
- Người bị tăng huyết áp, buổi sáng tỉnh dậy không nên vội rời khỏi giường. Hãy nằm trên giường cử động chân, tay, đầu, cổ cho cơ bắp, mạch máu toàn thân hoạt động bình thường, sau đó từ từ ngồi dậy ra khỏi giường và vận động.
- Kiên trì uống thuốc, không nên tuỳ tiện dừng uống thuốc hạ huyết áp bởi sẽ dễ tăng huyết áp đột biến sau 40 giờ ngừng uống thuốc./.
(Nguồn: Trung tâm
Truyền thông - GDSK Nam Định)