Cần cung cấp đầy đủ vi chất dinh dưỡng để trẻ phát triển và khoẻ mạnh

10:09, 15/09/2011

Vi chất dinh dưỡng là các vitamin và khoáng chất, không sinh ra năng lượng và cơ thể cần một lượng rất nhỏ nhưng vi chất đó lại vô cùng quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ. Nếu thiếu hụt, cơ thể của trẻ sẽ chậm phát triển, dễ mắc bệnh, thậm chí có thể tử vong nếu thiếu quá nhiều. Khi con bạn thường xuyên biếng ăn, chậm phát triển và suy dinh dưỡng là trẻ đã thiếu hụt một loại vitamin hay khoáng chất nào đó.

1. Thiếu Vitamin A: Ngoài chức năng giúp sáng mắt, Vitamin A còn có nhiều vai trò quan trọng khác như: giúp trẻ tăng trưởng, tăng sức đề kháng với bệnh tật… Thiếu Vitamin A, trẻ sẽ chậm lớn, còi cọc, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh nhiễm trùng như: Sởi, tiêu chảy, viêm đường hô hấp… Đặc biệt, thiếu Vitamin A còn dẫn đến bị khô mắt, quáng gà và có thể dẫn đến trẻ mù loà vĩnh viễn. Vitamin A có nhiều trong các loại quả như: đu đủ, cà rốt, gấc và trong các loại rau sẫm màu.

2. Thiếu sắt: Sắt là thành phần quan trọng trong cơ thể, cần thiết cho quá trình tạo máu. Với trẻ em, thiếu máu do thiếu sắt làm giảm trí nhớ, giảm khả năng tư duy. Biểu hiện của thiếu sắt là: da xanh, môi không hồng hào, móng tay màu nhợt, mềm và dễ gãy. Sắt có nhiều trong thịt lợn, thịt bò…

3. Thiếu Iốt: Iốt là vi chất dinh dưỡng cần thiết để tạo nên hoóc-môn tuyến giáp, đây là hoóc-môn chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà phát triển cơ thể. Thiếu iốt gây ra nhiều rối loạn cho trẻ như: bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ…

4. Thiếu kẽm: Trẻ sẽ kém phát triển chiều cao, tóc khô, móng tay mềm, dễ gãy, vết thương khó lành, hay bị cảm lạnh và bị bệnh nhiễm trùng, cơ nhão. Thực phẩm giàu kẽm gồm: đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà.

5. Thiếu Vitamin C: Trẻ thường bị sưng lợi dễ chảy máu; vòm miệng và lưỡi có nhiều mụn nhiệt, dễ ốm vặt. Vitamin C thường có nhiều trong cam, quýt, bưởi, ổi chín, rau ngót, rau cải, rau muống.

6. Thiếu Vitamin D và Canxi: Trẻ sẽ chậm mọc răng, ngủ không yên giấc, hay vặn mình, ra nhiều mồ hôi trộm nhất là ở phần đầu, tóc rụng thành vành ở phía sau gáy. Canxi có nhiều trong tôm, cua, trai và sữa. Vitamin D được cung cấp chủ yếu qua việc cho trẻ tiếp xúc với ánh nắng buổi sáng sớm và cho trẻ ăn các thực phẩm như dầu cá, gan, trứng.

7. Thiếu Vitamin B: Trẻ dễ bị phù nề, mọc mụn nhiệt quanh vòm miệng, rối loạn tiêu hoá, hay nôn, chán ăn, tinh thần không phấn chấn. Vitamin B có nhiều trong các loại ngũ cốc, đậu đỗ, thịt gà, rau có lá màu xanh thẫm, chuối, lê, sữa,…

Các bậc cha mẹ cần sớm nhận biết trẻ bị thiếu vi chất dinh dưỡng để bổ sung kịp thời cho trẻ. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên cho trẻ ăn như sau:

- Từ sơ sinh đến 6 tháng tuổi: Bú mẹ hoàn toàn (không ăn bất cứ một loại thức ăn nào khác)

- Từ 6-12 tháng tuổi: Ngoài bú sữa mẹ, nên cho trẻ ăn thêm 3 bữa bột một ngày.

- Từ 12-24 tháng tuổi: Ngoài bú sữa mẹ, cho trẻ ăn thêm 5 bữa một ngày (3 bữa chính và 2 bữa phụ có thêm hoa quả, sữa hoặc bánh)

- Từ 2 đến 5 tuổi: Cho trẻ ăn cùng gia đình. Ngoài 3 bữa cơm chính với gia đình nên cho trẻ ăn thêm 2 bữa phụ có thêm hoa quả, sữa hoặc bánh.

Ngoài ra, cần cho trẻ ăn nhiều bữa trong ngày. Dù đã ăn các thức ăn khác, sữa mẹ vẫn rất cần cho trẻ đến 24 tháng tuổi, không nên cai sữa trẻ trước 18-24 tháng tuổi. Thức ăn bổ sung của trẻ cần có đủ cả 4 nhóm: Tinh bột (gạo, mì, khoai, ngô...); chất đạm (thịt, cá, trứng, sữa, tôm, cua…); chất béo (dầu ăn, mỡ, vừng, lạc…); các Vitamin và khoáng chất (rau, hoa quả). Thực phẩm cần phải tươi, nấu chín kỹ và cho trẻ ăn ngay./.

Trung tâm Truyền thông - GDSK Nam Định

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com