Khi bị bỏng do lửa hoặc nước sôi: Nhanh chóng nhúng phần cơ thể bị bỏng vào nước, để dưới vòi nước đang chảy sẽ giúp hạ nhiệt ở phần bị bỏng, giảm đau, rát và tránh sốc do bỏng. Sau đó, dùng miếng gạc y tế băng nhẹ vết thương và nhanh chóng đưa người bệnh tới cơ sở y tế gần nhất. Nếu là bỏng do nước sôi, không được cởi bỏ quần áo của người bệnh vì có thể bị lột da vùng bị bỏng, làm vết thương nặng hơn. Không được bôi nước mắm, kem đánh răng... lên vết bỏng, không tự lột bỏ da trên vùng bị bỏng dễ làm nhiễm khuẩn.
Khi bị sặc sữa: Trẻ đang bú bỗng ho sặc sụa, tím tái và lịm đi - đó là hiện tượng bị sặc sữa (thường gặp ở trẻ bú bình). Sữa tràn vào phế quản làm tắc đường hô hấp cản trở quá trình trao đổi khí, khiến trẻ có thể bị chết do thiếu ôxy. Lúc này, cần đặt trẻ nằm ngửa, dùng mồm mình đặt vào miệng và mũi trẻ hút mạnh nhiều lần sau khi hút hết sữa, phát mạnh vào mông trẻ để trẻ khóc và thở được. Ngay sau đó, đưa trẻ tới cơ sở y tế để tiếp tục cứu chữa.
Để đề phòng trẻ bị sặc sữa, không cho trẻ bú khi ho hoặc khóc, bú trong lúc ngủ, vừa nằm vừa bú, không đùa khi trẻ đang bú. Khi cho bú bế trẻ ở tư thế thoải mái, nâng cao đầu để sữa không chảy vào đường thở, không để trẻ ngửa cổ hoặc gập cổ quá gây khó nuốt, dễ bị sặc sữa.
Khi bị chảy máu cam: Trước hết phải tìm cách cầm máu. Nếu chảy máu nhỏ giọt, để người bệnh ngồi cúi đầu ra phía trước, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp chặt hai cánh mũi khoảng 10 phút, máu có thể tự cầm. Có thể dùng lá nhọ nồi hay lá chuối non giã nhỏ nhét vào bên mũi chảy máu. Nếu máu chảy nhiều, không được nuốt, nếu nuốt sẽ làm chướng bụng và gây ngộ độc. Lấy đoạn vải nhỏ dài, sạch ấn sâu vào hốc mũi bên chảy máu và khẩn trương đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế để điều trị./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK (Sở Y tế)