Phòng bệnh học đường

09:08, 25/08/2011

Một số bệnh học đường thường gặp:

* Bệnh về răng miệng: Là bệnh khá phổ biến và là nguyên nhân gây sún răng, sâu răng và mất răng sớm... Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các bệnh răng miệng có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm xương tủy hàm, nhiễm trùng lan tỏa, nhiễm trùng máu, gẫy xương bệnh lý, ảnh hưởng đến sức khỏe và học tập của trẻ em.

* Bệnh cận thị: Bệnh có thể do di truyền, hoặc do lớp học không đảm bảo ánh sáng (làm cho mắt trẻ phải điều tiết nhiều), kích thước bàn, ghế không phù hợp, ngồi học tư thế sai: như nhìn gần, nằm, quỳ khi học ở nhà, sử dụng máy vi tính quá lâu... và một số yếu tố bất lợi khác: sách vở, chữ viết... chưa đạt tiêu chuẩn. Những trẻ gầy yếu hay ốm đau dễ bị cận hơn trẻ khỏe mạnh.

* Bệnh cong vẹo cột sống: Độ cong cột sống của trẻ nhỏ hơn của người lớn. Độ mềm dẻo, linh hoạt cột sống lớn hơn. Vì vậy, khi trẻ học tập, sinh hoạt, nếu tư thế không đúng, cột sống dễ mắc các tật khó chữa như: Cong lưng (đoạn cột sống ngực quá cong lồi); vẹo lưng (đoạn cột sống ngực cong sang hai bên) và ưỡn lưng (đoạn cột sống thắt lưng ưỡn ra trước).

Cách phòng bệnh:

Để phòng bệnh răng miệng, cần giữ răng thường xuyên sạch sẽ, súc miệng, đánh răng bằng bàn chải sau khi ăn, trước khi đi ngủ và buổi sáng ngủ dậy. Không nên ăn những thức ăn cứng, quá nóng hay quá lạnh. Không dùng răng để cắn các vật cứng, hay nắp chai sẽ làm hỏng lớp men răng hoặc vỡ răng. Nhà trường cần có lịch kiểm tra răng miệng cho học sinh theo định kỳ. Các bậc phụ huynh phải thường xuyên kiểm tra răng miệng cho con em để phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh răng miệng cho con.

Để phòng chống bệnh cận thị và cong vẹo cột sống cho học sinh, cần thường xuyên chú ý nhắc nhở tư thế học, đọc và viết bài của các em, quan tâm đến vấn đề ánh sáng, màu tường, màu bảng trong phòng học, góc học tập và kích thước bàn ghế cũng như sắp xếp vị trí sao cho phù hợp với tuổi học của các em... Mức chiếu sáng tối thiểu trong phòng học là 100 lux, bảng viết sơn màu đen hoặc xanh thẫm, kết hợp với phân bố và cường độ ánh sáng hợp lý để trẻ nhìn đọc, viết không bị lóa. Kích thước bàn và ghế bảo đảm để trẻ ngồi thoải mái, tự nhiên, khoảng cách từ mắt đến sách đọc khoảng từ 30-40cm, không quá gần hoặc quá xa.

Tăng cường cho trẻ tham gia các hoạt động ngoài trời, hoạt động thể dục, thể thao, hạn chế chơi vi tính, xem ti vi và đặc biệt không làm cho trẻ quá căng thẳng vì phải học thêm./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK
(Sở Y tế)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com