Trong cơ thể con người, sắt là một vi chất dinh dưỡng, là thành phần thiết yếu trong máu làm nhiệm vụ vận chuyển, dự trữ oxy. Ngoài ra sắt còn tham gia vào việc cấu tạo nhiều enzim thiết yếu của cơ thể.
Bình thường trong cơ thể, lượng sắt được tích trữ 40-50mg/kg thể trọng. Nhu cầu cung cấp sắt hàng ngày qua đường ăn uống đối với nữ khoảng 1mg, đối với phụ nữ có thai và nam giới khoảng 2mg. Nếu chế độ dinh dưỡng không cung cấp đủ lượng sắt hay do bệnh lý, cơ thể có nguy cơ bị thiếu sắt và thiếu máu, nhất là phụ nữ có thai và trẻ em đang lớn.
Thiếu máu, thiếu sắt sẽ gây ra nhiều hậu quả như bị giảm chức năng cơ, giảm hoạt động thể lực, giảm năng suất lao động, giảm sự tập trung, giảm khả năng nhận thức, tỷ lệ mắc bệnh nhiễm trùng tăng. Phụ nữ khi đang mang thai bị thiếu máu, thiếu sắt thì thai nhi sẽ chậm phát triển, nhẹ cân, suy dinh dưỡng, nguy cơ tử vong bà mẹ trong quá trình sinh nở cũng tăng. Trẻ em thiếu máu, thiếu sắt sẽ bị giảm nhận thức.
Để phòng ngừa thiếu sắt và thiếu máu, những người bình thường nên có chế độ dinh dưỡng hợp lý, dùng thường xuyên các thực phẩm giàu sắt như thịt đỏ, cá, thịt gia cầm, các loại đậu, rau muống. Đối với những người có nguy cơ thiếu sắt như phụ nữ có thai nên bổ sung thêm sắt dưới dạng dược phẩm uống như dùng viên sắt Oxalat, sắt- axit Folic...
Sắt là một kim loại rất dễ kết hợp với một số chất để tạo ra một chất mới khó tan, khó hấp thu trong cơ thể. Vì vậy khi ăn uống các thực phẩm giàu sắt hoặc uống các thuốc có sắt cần lưu ý các điểm sau:
- Tránh uống nước trà ngay sau bữa ăn hoặc sau uống thuốc. Vì trong trà có tanin làm ngăn cản hấp thu sắt qua đường ruột.
- Vitamin C và các chất hữu cơ khác như Citric (có trong chanh), lactic gây tăng cường sự hấp thu sắt. Vì thế sau bữa ăn dùng trái cây tráng miệng hoặc uống nước trái cây là tốt nhất./.
(Sở Y tế Nam Định)