Bệnh tay - chân - miệng

08:07, 28/07/2011

Bệnh tay - chân - miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi-rút  gây nên và có khả năng lây lan rất nhanh. Bệnh thường gặp ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi. Bệnh lây truyền từ người sang người do tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết ở miệng, họng, mũi hoặc chất tiết từ các bọng nước ở tay, chân hay phân của người bệnh. Bệnh cũng có thể lây truyền từ các dụng cụ ăn uống, đồ chơi, quần áo, chăn màn hoặc thức ăn, nước uống nhiễm vi-rút.

Một số biểu hiện của bệnh

Sau khi nhiễm vi-rút từ 3-7 ngày, trẻ thường mệt mỏi, sốt nhẹ, đau họng, sổ mũi trong vài ngày. Tiếp đó xuất hiện các bọng nước ở niêm mạc miệng, lợi, lưỡi và phát ban đỏ ở bàn tay, bàn chân. Một số ít trường hợp, có thể phát ban ở vùng mông. Các bọng nước ở miệng khi vỡ thường gây loét, khiến trẻ đau đớn, khóc nhiều, ăn kém hoặc sợ ăn nên sút cân nhanh. Các bọng nước ở tay, chân khi vỡ ra nếu không giữ vệ sinh sẽ rất dễ bị bội nhiễm vi khuẩn gây mưng mủ và làm cho bệnh nặng thêm. Đa số các trường hợp bị bệnh đều tự khỏi, nhưng nếu bị bệnh do tác nhân Enterovirus 71 thì có thể có biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, viêm cơ tim, viêm phổi... dẫn đến tử vong

Điều trị

- Khi trẻ có dấu hiệu của bệnh tay - chân - miệng, hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và điều trị theo đúng phác đồ, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng.

- Hiện chưa có thuốc điều trị bệnh đặc hiệu nên các biện pháp chủ yếu vẫn là chăm sóc, cho bệnh nhân dùng thuốc hạ sốt, giảm đau, bù nước nếu bị sốt cao.

- Bệnh nhân cần được ăn đủ chất dinh dưỡng, thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn; tại vùng tổn thương ngoài da cần bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm.

Cách phòng bệnh

- Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay cho trẻ.

- Làm sạch đồ chơi, vật dụng của trẻ bằng xà phòng và các chất diệt khuẩn.

- Nếu trẻ có biểu hiện bệnh, nên tránh tiếp xúc với trẻ khác để hạn chế lây bệnh.

- Không dùng chung các vật dụng vệ sinh cá nhân.

- Thực hiện ăn chín, uống sôi, không sử dụng thực phẩm chưa được nấu chín, không đảm bảo vệ sinh.

- Phát hiện sớm các trường hợp trẻ có biểu hiện sốt, loét miệng, phỏng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, gối, mông để đưa trẻ đến cơ sở y tế điều trị kịp thời./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK
(Sở Y tế Nam Định)


BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com