Để công tác phòng chống mù loà đạt hiệu quả bền vững

08:06, 13/06/2011

Một trong những nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu là bệnh đục thủy tinh thể. Ở tỉnh ta, có khoảng 1,6% dân số mắc đục thuỷ tinh thể, trong đó, số bệnh nhân đục thủy tinh thể cần phải phẫu thuật ngay để giải phóng mù lòa chiếm 0,4-0,6%. Các bệnh lý về võng mạc, trong đó bệnh võng mạc tiểu đường khá phổ biến, do số người mắc bệnh tiểu đường cao. Bệnh Glôcôm (thiên đầu thống) cũng dẫn tới hiện tượng mù loà nếu người bệnh thiếu hiểu biết, phát hiện bệnh muộn nhưng việc tuyên truyền và quản lý bệnh này chưa phổ biến. Hiện nay, Bệnh viện Mắt tỉnh đang xúc tiến xây dựng mạng lưới quản lý bệnh Glôcôm, phát hiện, điều trị bệnh sớm để tránh mù lòa. Mù lòa do bệnh lý giác mạc và quặm mắt - biến chứng của bệnh mắt hột, số bệnh nhân cần được phẫu thuật quặm là 0,1% dân số. Ngoài ra, tật khúc xạ của học sinh do cường độ học tập cao, thời gian sử dụng máy vi tính, chơi điện tử kéo dài, mắt không được nghỉ ngơi hợp lý cũng gia tăng. Qua khảo sát của Bệnh viện Mắt tỉnh tại 9 trường THCS của 9 huyện cho thấy số học sinh bị tật khúc xạ (cận thị, viễn thị, loạn thị) chiếm khá cao, tới 23,75%. Ở các trường chuyên, lớp chọn, tỷ lệ học sinh mắc tật khúc xạ cao, tới gấp 2,4 lần so với các trường không chuyên. Trong số các em mắc tật khúc xạ có 40% không được điều trị chỉnh kính, khoảng 30% đeo kính không đúng số.

Một ca mổ tại Bệnh viện Mắt tỉnh.
Một ca mổ tại Bệnh viện Mắt tỉnh.

Trước thực trạng trên, nhiều năm qua tỉnh ta đã tích cực thực hiện công tác phòng chống mù loà. Mỗi năm, Bệnh viện Mắt tỉnh phẫu thuật trung bình trên 1.500 ca đục thể thủy tinh, trong đó có 96% số ca được áp dụng kỹ thuật hiện đại Phaco, hạn chế tối đa biến chứng cho bệnh nhân. Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh cũng tổ chức phẫu thuật cho trên dưới 500 lượt bệnh nhân. Ngoài ra, các chương trình nhân đạo mổ cộng đồng đã thực hiện phẫu thuật mỗi năm 200-300 ca, góp phần giảm đáng kể tỷ lệ mù lòa trong nhân dân.

Công tác phòng chống bệnh mắt hột tập trung vào đối tượng học sinh trong các nhà trường và nhân dân. Đến nay, tỉnh ta đã cơ bản thanh toán được bệnh mắt hột, tỷ lệ mắc bệnh mắt hột trong học sinh còn 1,36%, trong khu dân cư còn 2,64%. Tuy nhiên di chứng của bệnh mắt hột vẫn còn do người mắc bệnh mắt hột không giữ vệ sinh gây biến chứng quặm mắt, nếu không được mổ sớm sẽ dẫn đến mù loà vĩnh viễn. Trung bình mỗi năm Bệnh viện Mắt và các chương trình mổ cộng đồng đã thực hiện mổ quặm để phòng chống mù lòa cho nhân dân được 250-400 ca. Hiện tại, còn khoảng 2.000 trường hợp bị quặm. Bệnh viện Mắt tỉnh dự kiến đến hết năm 2012 mổ 1.000 ca. Như vậy, số bệnh nhân bị quặm còn khá lớn. Bệnh khô mắt do thiếu vitamin A đã hoàn toàn kiểm soát được ở thể lâm sàng. Hàng năm, Bệnh viện Mắt tỉnh đã cấp khoảng 6.000 viên vitamin A hàm lượng 200.000 đơn vị cho các bệnh viện trong tỉnh để điều trị dự phòng cho những trường hợp có nguy cơ mắc bệnh khô mắt do biến chứng của các bệnh sởi, nhiễm trùng đường hô hấp, tiêu hoá... Bệnh viện Mắt tỉnh cũng đang xây dựng chương trình quản lý tật khúc xạ cho học sinh trong các nhà trường vào năm học tới.

Đạt được những thành công trong công tác phòng chống mù lòa, cùng với sự quan tâm chỉ đạo của tỉnh, của Bệnh viện Mắt Trung ương, việc thực hiện chủ trương xã hội hoá công tác y tế đã tạo điều kiện cho Bệnh viện Mắt tỉnh, Khoa Mắt Bệnh viện Đa khoa tỉnh liên kết phát triển kỹ thuật tiên tiến, nâng cao chất lượng điều trị cho nhân dân, thực hiện chương trình y tế trường học trên quy mô toàn tỉnh. Bên cạnh đó, có sự giúp đỡ của các tổ chức nhân đạo Quốc tế và trong nước như: Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp một phần kinh phí, vật tư và trang thiết bị cho công tác phẫu thuật giải phóng mù loà. Để công tác phòng chống mù loà đạt được hiệu quả bền vững, thời gian tới, ngành Y tế cần quan tâm bố trí đủ nguồn nhân lực cho hệ thống chăm sóc mắt ở cả ba tuyến; phát triển thêm dịch vụ kỹ thuật cao, dịch vụ chuyên sâu tại Bệnh viện Mắt tỉnh như phẫu thuật dịch kính võng mạc, quản lý tật khúc xạ, bệnh võng mạc tiểu đường cho bệnh nhân. Kiểm soát các bệnh gây mù có thể phòng tránh được, gồm: bệnh đục thuỷ tinh thể, Glôcôm, quặm gây mù do biến chứng của bệnh mắt hột, kiểm soát tật khúc xạ…Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức phòng chống mù lòa để nâng cao nhận thức  của nhân dân về công tác phòng chống mù loà./.

Bài và ảnh: Minh Thuận



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com