Tiêu chảy là bệnh nguy hiểm và hay gặp ở trẻ nhỏ. Khi mắc bệnh trẻ thường bị sụt cân nhanh, rối loạn tiêu hoá dẫn đến suy dinh dưỡng, nguy hiểm đến tính mạng vì mất nhiều nước.
Cách xử trí khi trẻ bị tiêu chảy:
Bù lượng nước đã mất bằng cách cho trẻ uống osezon, uống nước cháo muối, nước dừa non, nước đun sôi để nguội. Trẻ tiêu chảy nhiều càng phải uống nhiều nước. Nếu sau khi uống trẻ bị nôn thì sau 20 phút cho trẻ uống lại, uống liên tục đến khi ngừng tiêu chảy.
Chú ý không dùng các loại thuốc cầm tiêu chảy, đặc biệt các loại thuốc có chứa thuốc phiện. Không cho trẻ dùng kháng sinh khi chưa có hướng dẫn của thầy thuốc.
Cần đưa trẻ đến cơ sở y tế nếu trong 2 ngày điều trị tại nhà mà trẻ không đỡ hoặc có một trong những dấu hiệu sau: Trẻ bỏ ăn, bỏ bú, nôn nhiều, khát nước, đi ngoài nhiều lần, sốt cao hoặc có máu trong phân.
Dinh dưỡng khi trẻ bị tiêu chảy: Nếu trẻ còn bú mẹ thì vẫn tiếp tục cho bú và bú nhiều hơn bình thường. Nếu trẻ trong giai đoạn ăn dặm, cho trẻ ăn nhiều lần, ít một, thức ăn có nhiều chất bổ dưỡng cần nghiền kỹ, nấu nhừ để trẻ dễ nuốt.
Sau khi trẻ khỏi bệnh cho ăn, uống và chăm sóc chu đáo để giúp trẻ nhanh chóng phục hồi.
Cách phòng bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 4 tháng đầu, không nên cho ăn thêm thức ăn khác trước 4 tháng.
- Thực phẩm cho trẻ phải tươi, nấu chín kỹ, cho trẻ ăn ngay. Nếu để quá 2 giờ, phải nấu kỹ lại.
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến thức ăn và sau khi đi vệ sinh. Sử dụng nguồn nước sạch. Ăn chín, uống sôi.
- Tiêm vắc-xin phòng tả cho trẻ đúng lịch, uống kháng sinh khi có chỉ định của cán bộ y tế./.
(Sở Y tế Nam Định)