Nghịch lý trẻ béo, trẻ gầy...

08:06, 02/06/2011

Nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, đang phải đối mặt với nghịch lý rất đáng báo động là bên cạnh một bộ phận trẻ em do ăn uống thiếu chất dinh dưỡng dẫn đến gầy còm, phát triển cơ thể chậm, là một bộ phận trẻ em do ăn uống quá thừa dinh dưỡng đã đến mức béo phì. Theo các chuyên gia dinh dưỡng, trẻ quá béo và trẻ quá gầy đều không tốt cho sự phát triển toàn diện của trẻ em, ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ thể chất và trí tuệ của một thế hệ, nguồn lực tương lai của đất nước. Vấn đề quan trọng là làm sao để hạn chế nghịch lý trẻ béo, trẻ gầy?

Ngành Y tế đã đưa ra định nghĩa về béo phì là tình trạng tích luỹ mỡ quá mức và không bình thường tại một vùng cơ thể hay toàn thân. Nguyên nhân chủ yếu là sử dụng nhiều loại thực phẩm giàu năng lượng trong khi ít hoặc không vận động, không tham gia các hoạt động thể lực. Trẻ suy dinh dưỡng là tình trạng thiếu dinh dưỡng mà hậu quả là do việc ăn uống không đủ chất và thường xuyên mắc các bệnh nhiễm khuẩn tái phát, kéo dài. Suy dinh dưỡng thường được xác định dựa vào cân nặng và chiều cao. Hay nói cách khác, nếu cân nặng thấp so với tuổi mà chiều cao vẫn bình thường thì gọi là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, còn cân nặng bình thường và chiều cao thấp so với lứa tuổi thì gọi là suy dinh dưỡng thể thấp còi. Cả cân nặng và chiều cao đều thấp so với tuổi thì gọi là suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi hoặc chỉ thiếu hụt các vitamin và khoáng chất thì gọi là suy sinh dưỡng vi chất.

Trẻ quá béo và quá gầy thường gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và là một trong nhiều nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Tuy nhiên, đây không phải là chứng bệnh nan y và các bậc làm cha, làm mẹ hoàn toàn có thể chủ động phòng bệnh được.

Trước hết là phải học cách chăm sóc trẻ. Hiện nay, trên thị trường có quá thừa sản phẩm dinh dưỡng cho các bà mẹ và trẻ em, nhưng lại đang thiếu nghiêm trọng sự tư vấn về việc sử dụng các sản phẩm này. Bao bì sản phẩm sữa nào cũng ghi rất nhiều thành phần dinh dưỡng với những lời quảng cáo hấp dẫn. Thế nhưng nhiều bà mẹ không biết được sản phẩm nào thì thích hợp cho con mình. Bởi vậy, rất cần sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc kiểm nghiệm chất lượng và tư vấn cho người sử dụng.

Theo một chuyên gia y tế, với việc học tập cường độ cao của các trẻ em ở các thành phố, thị xã, lại thiếu nơi vui chơi, ngay cả sân trường cũng bị thu hẹp thì tình trạng một bộ phận trẻ em béo phì là khó tránh khỏi. Vì thế, để hạn chế tình trạng béo phì cho trẻ, phải tiếp tục cải cách giáo dục, giảm tải cho học sinh tiểu học, trả lại tuổi thơ cho các em.

Hơn chục năm trước, tôi có dịp được đi công tác cùng cố Giáo sư Từ Giấy, nguyên Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, đến một trong những địa phương nghèo nhất nước ở vùng Tây Bắc và được nghe giáo sư tư vấn cho các bà mẹ người dân tộc thiểu số. Nghe xong, nhiều bà mẹ thở phào, hoá ra vấn đề dinh dưỡng không phức tạp như họ tưởng. Quả trứng gà trong chuồng, ngọn rau xanh trong vườn... đều có thể “tô màu bát bột...”. Mong sao những buổi tư vấn như thế đến với bà con nhiều hơn.

Cũng trong chuyến công tác ấy, Giáo sư Từ Giấy đã nói với chúng tôi: Giá như có thể chuyển được một phần khẩu phần ăn của các cháu béo phì đến các cháu gầy còm do thiếu dinh dưỡng thì cả hai cùng có lợi. Các cháu thiếu dinh dưỡng sẽ được bổ sung thêm dinh dưỡng, còn các cháu mà gia đình có điều kiện về kinh tế sẽ bớt béo phì...

Nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi và ngày Vi chất dinh dưỡng (1-6), chúng tôi xin kể lại kỷ niệm này với chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu của Việt Nam với lời mong ước. Các ông bố, bà mẹ có điều kiện về kinh tế, khi cho con mình ăn, hãy nhớ rằng, có không ít trẻ em cùng độ tuổi với con mình hiện đang suy dinh dưỡng...

Theo: qdnd.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com