Sốt xuất huyết là một bệnh truyền nhiễm, dễ gây thành dịch do muỗi vằn truyền. Bệnh thường gặp ở các vùng nhiệt đới, xảy ra vào mùa mưa. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi. Bệnh sốt xuất huyết dễ gây tử vong nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Những biểu hiện của bệnh sốt xuất huyết
Bệnh khởi phát đột ngột với 2 biểu hiện chính là sốt và xuất huyết. Sốt cao liên tục từ 2 đến 7 ngày kèm theo đau đầu, cơ và khớp. Xuất huyết thường xuất hiện vào ngày thứ 2 hoặc 3, phát bệnh với những dấu hiệu như trên da xuất hiện những chấm xuất huyết ở mặt trong 2 cẳng tay, bụng, đùi, mạng sườn, mặt trước cẳng chân; có thể có chảy máu chân răng, chảy máu cam, nôn ra máu. Trường hợp bệnh nặng có thể thấy trẻ vật vã li bì, chân tay lạnh, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, có thể gây tử vong trong 12-24 giờ.
Khi thấy trẻ có những biểu hiện trên, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời. Những trường hợp chăm sóc tại nhà, nếu sốt cao có thể dùng thuốc hạ sốt thông thường như Paracetamol, không dùng Asprin hoặc các loại thuốc hạ nhiệt nhóm Salixilat vì có thể gây xuất huyết. Ngoài ra cho uống nước cam, chanh, oresol.
Cách phòng bệnh
Hiện nay chưa có thuốc đặc hiệu để chữa bệnh sốt xuất huyết, chưa có vắc-xin phòng bệnh, vì vậy phòng ngừa lây lan của bệnh là chính. Biện pháp hàng đầu để phòng bệnh sốt xuất huyết là loại bỏ nơi sinh sản và phát triển của muỗi: đậy kín các dụng cụ đựng nước, thu gom phế thải xung quanh nhà, diệt bọ gậy... Mọi người phải tránh muỗi đốt, nằm màn khi ngủ.
Khi có dịch sốt xuất huyết xảy ra tại cộng đồng, mọi người, mọi nhà cần phối hợp với chính quyền địa phương và cơ sở y tế để phòng, chống dịch./.
(Sở Y tế Nam Định)