Suy dinh dưỡng thấp còi: Thách thức và giải pháp

09:04, 13/04/2011

Trong những năm qua, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em tỉnh ta đã đạt được những kết quả đáng kể. Tỷ lệ suy dinh dưỡng bào thai giảm dần qua các năm, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng tính theo cân nặng giảm từ 39,3% (năm 1999) xuống còn 15,96% (năm 2010), tỷ lệ suy dinh dưỡng chiều cao giảm từ 38,8% (năm 1999) xuống còn 22,48% (năm 2010). Có được kết quả đó, là do sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền các ngành, các đoàn thể đối với công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em - phòng chống suy dinh dưỡng (CSSKTE-PCSDD) của tỉnh những năm qua. Mạng lưới cán bộ làm công tác CSSKTE-PCSDD được kiện toàn và hoạt động có hiệu quả, nền nếp từ nhiều năm nay. Hiện tại, mỗi xã, phường có 1 cán bộ chuyên trách dinh dưỡng. Các hoạt động giáo dục truyền thông phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em được duy trì thường xuyên, cao điểm vào các dịp Tháng hành động vì trẻ em, Ngày vi chất dinh dưỡng (1-6 và ngày 25, 26-11 hàng năm), Tuần lễ Nuôi con bằng sữa mẹ...  Tuy nhiên, công tác phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi ở tỉnh ta vẫn đang đứng trước những khó khăn: Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở một số vùng miền giảm chậm và không bền vững; tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi vẫn còn ở mức cao (22,48%); trong khi đó tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh mãn tính không liên quan đến dinh dưỡng đang tăng nhanh chóng, đặc biệt là tại thành phố.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trẻ suy dinh dưỡng thấp còi chủ yếu là do các bà mẹ và những người chăm sóc trẻ thiếu kiến thức về dinh dưỡng hợp lý. Tỷ lệ trẻ bú mẹ hoàn toàn những tháng đầu thấp, ăn bổ sung sớm, thức ăn bổ sung nghèo protid, lipid sẽ dẫn đến trẻ có nguy cơ cao bị thấp còi. Bên cạnh đó, tình trạng học vấn của người mẹ, điều kiện sống, tình trạng vệ sinh môi trường... cũng có ảnh hưởng đến thấp còi ở trẻ em. Giải pháp quan trọng để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em tỉnh ta đó là công tác truyền thông giáo dục dinh dưỡng, tập trung vào các nội dung như: Chăm sóc phụ nữ có thai để sinh ra những đứa trẻ khỏe mạnh. Trong thời gian mang thai, ngay từ những tuần đầu tiên người mẹ cần ăn đủ chất đạm, canxi và đặc biệt là iốt vì thiếu iốt, bào thai sẽ không phát triển được. Ngoài ra người mẹ cần ăn đủ sắt, đủ vitamin A và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác cho thai tăng trưởng và là nguồn dự trữ giúp trẻ phát triển trong những tháng đầu sau khi sinh. Trong giai đoạn 2 năm đầu tiên, nuôi dưỡng trẻ có vai trò quan trọng để khắc phục tình trạng trẻ bị SDD thấp còi. Người mẹ cần chú ý đến khẩu phần ăn bổ sung cho trẻ có đủ protid, lipid, vitamin D, canxi, đồng thời thực hiện nuôi con bằng sữa mẹ để trẻ phát triển cả chiều cao và cân nặng…

Để cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em, trong thời gian tới Chương trình PCSDD cần tập trung vào ba nhóm can thiệp: Cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng cân nặng để giảm suy dinh dưỡng trẻ em; cải thiện tầm vóc trẻ em ở những vùng khó khăn; khống chế thừa cân, béo phì trẻ em ở các thành thị./.

Thu Trang



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com