Quản lý giá thuốc chữa bệnh: Cách nào?

06:04, 15/04/2011

Tăng đồng loạt ở rất nhiều loại thuốc nội và ngoại là hiện trạng chung của thị trường thuốc chữa bệnh hơn 1 tháng trở lại đây.

Quản lý giá thuốc chữa bệnh tuy đã được nhiều cơ quan chức năng vào cuộc, văn bản quy phạm pháp luật cũng nhiều, có cả Luật Dược để thi hành… nhưng kẽ hở của thị trường hàng hóa đặc biệt này vẫn còn rất nhiều. Do quy định “các cơ sở sản xuất, cơ sở nhập khẩu không được bán thuốc cao hơn giá kê khai” nên việc kê khai giá thuốc “đón đầu” tăng giá bằng các chi phí được Cty dược đưa ra nhiều khi rất bất hợp lý. Đơn cử, thuốc Palitaxel 30mg giá bán kê khai ngày 23-7-2008 là 1.785.000 đồng/lọ, giá bán vừa mới tăng tháng 3-2011 là 1.499.400 đồng; Infusamin 5% giá kê khai 31-12-2007 là 62.339 đồng/chai, giá bán mới tăng là 52.500 đồng/chai… Thậm chí, có loại thuốc được Cty đưa giá bán thấp hơn cả giá vốn đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước như Calcium folinate 0,1g có giá vốn sản phẩm đã là 228.542 đồng/ống vậy mà giá bán mới tăng của sản phẩm này chỉ là 183.750 đồng/ống, chưa bằng giá vốn năm 2007! 

Ảnh: Internet
Ảnh: Internet

Đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực dược phẩm cho thấy, việc quản lý giá thuốc mới chỉ thực hiện ở phần ngọn, các công ty thường báo cáo giá trần cao nhiều lần so với các chi phí cộng lại rồi tùy theo tình hình sẽ tăng giá thuốc mà không bị phạm luật. Cơ quan quản lý nhà nước cũng chỉ biết giá DN kê khai chứ không thể kiểm soát được giá mua ở nước ngoài, giá nhập khẩu đến cảng, các chi phí liên quan, giá bán dự kiến... của DN. Có một nghịch lý là hiện tượng này quá rõ ràng và kéo dài đã lâu nhưng Bộ Y tế vẫn cho phép các DN để trần giá thuốc quá cao và bất thường mà không có biện pháp quản lý giá thuốc khác như yêu cầu doanh nghiệp kê khai giá và chi phí thực tế hiện tại bên cạnh việc thanh tra, kiểm tra.

Trong một cuộc tọa đàm mới đây về quản lý giá thuốc, ông Trương Quốc Cường - Cục trưởng Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) - thừa nhận:  việc quản lý giá thuốc hiện nay còn không ít những bất cập khi nhiều mặt hàng thuốc vẫn có giá rất cao, nhất là các biệt dược. Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: quản lý nhà nước về thuốc có nhiều vấn đề, như quản lý về chất lượng phải là Bộ Y tế, nhưng quản lý về giá nên giao cho Bộ Tài chính. Nếu vẫn cứ giao Bộ Y tế là cơ quan phụ trách sản xuất, cung ứng, sử dụng, tiêu thụ thuốc và lại tiếp tục định giá, quản lý giá nữa thì chẳng khác gì "vừa đá bóng, vừa thổi còi". Theo ông Tiên, tới đây, khi trình Quốc hội sửa đổi Luật Dược, Ủy ban Về các vấn đề xã hội sẽ xem xét và đề xuất để Bộ Tài chính sẽ quản lý nhà nước về giá thuốc.

Thực tế, thời gian qua việc quản lý giá thuốc không chỉ một mình Bộ Y tế đảm nhiệm, Chính phủ đã thành lập tổ công tác liên ngành gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Công thương… các văn bản phối hợp là liên ngành và quá trình rà soát, thanh kiểm tra giá thuốc đều là hoạt động liên ngành. Tuy nhiên, giá thuốc chữa bệnh vẫn chưa đi đúng đường, gây nên nhiều xáo trộn trong đời sống là do chưa giải quyết được triệt để các vướng mắc và lấp kín những “kẽ hở” đã nêu. Ông Cường cũng nhận xét: Cần phải chuyên môn hóa công tác quản lý giá thuốc. Bộ Y tế, mà cụ thể là Cục Quản lý dược, bên cạnh trách nhiệm đối với việc sản xuất, chất lượng thuốc, cung ứng đủ thuốc, sử dụng thuốc an toàn… cũng phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn về tài chính để quản lý giá đối với mặt hàng đặc biệt này./.

Theo: baocongthuong.com.vn

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com