Những điều cần biết về cúm A(H1N1)

07:04, 01/04/2011

1. Cúm A(H1N1) là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính do vi rút cúm A(H1N1) gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với các giọt nước bọt hay dịch tiết từ mũi họng của người bị bệnh hoặc đồ vật bị nhiễm vi rút rồi đưa lên mũi, miệng. Bệnh lây truyền nhanh từ người sang người trong thời gian từ 1 ngày trước tới 7 ngày sau kể từ khi có triệu chứng bệnh.

2. Tránh tiếp xúc với người bị cúm. Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách trên 1 mét nếu phải tiếp xúc với người bệnh.

3. Các trường học chủ động thành lập BCĐ phòng chống dịch, phối hợp với cơ quan y tế trên địa bàn xây dựng kế hoạch phòng chống cúm A(H1N1). Học sinh, sinh viên, giáo viên chủ động theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có sốt, ho, đau họng… thì không đến trường, gia đình thông báo cho nhà trường, y tế cơ sở để được tư vấn, nếu phát hiện triệu chứng cúm khi ở trường thì cách ly vào phòng riêng, thông báo BGH, y tế nhà trường để xử lý kịp thời, tránh lây lan.

4. Những người đang công tác tại các công sở, nhà máy, xí nghiệp… nơi đông người nếu có biểu hiện cúm hay nghi ngờ cúm cần chủ động cách ly, không đến nơi đông người, thông báo cho y tế cơ quan để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

5. Những người du lịch, hướng dẫn viên du lịch… nếu có biểu hiện hay nghi ngờ cúm thì chủ động cách ly, không đến nơi đông người, thông báo cho y tế cơ sở nơi mình đang đi du lịch để được tư vấn và hỗ trợ kịp thời.

6. Những người mắc bệnh mãn tính (bệnh tim mạch, hen, lao, tiểu đường, béo phì, bệnh nhân AIDS…), phụ nữ mang thai, người già, trẻ em cần được đặc biệt quan tâm đến sức khỏe, tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh. Khi có biểu hiện của bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, chữa kịp thời, hạn chế biến chứng nặng và tử vong.

7. Mọi người dân tự bảo vệ mình và cộng đồng bằng cách thực hiện tốt các biện pháp chống dịch như: Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn. Vệ sinh môi trường, thông thoáng nơi ở, nơi làm việc, lau chùi bề mặt đồ dùng, vật dụng sinh hoạt bằng các hóa chất sát khuẩn thông thường. Che miệng khi ho, không khạc nhổ bừa bãi. Đặc biệt, để tránh biến chứng do sử dụng thuốc không đúng cách, không nên tự ý mua và dùng thuốc kháng vi rút (Tamiflu) khi chưa có chỉ định của cán bộ y tế./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông-GDSK
(Sở Y tế)



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com