Máu nhiễm mỡ, gan nhiễm mỡ là hai bệnh lý khác nhau nhưng liên quan mật thiết với nhau. Máu nhiễm mỡ kéo dài có thể gây ra tình trạng gan nhiễm mỡ.
Máu nhiễm mỡ là cách dân gian gọi bệnh “rối loạn chuyển hóa lipid”. Chất mỡ trong máu chủ yếu là Cholesterol (LDL, HDL…) và Triglyceride. Rối loạn chuyển hóa lipid xảy ra khi có tình trạng tăng Cholesterol, Triglyceride trong máu, hay loạn dưỡng mỡ có tính di truyền. Để biết có rối loạn chuyển hóa mỡ hay không, cần phải xét nghiệm máu vào buổi sáng, lúc chưa ăn uống.
Gan nhiễm mỡ là tình trạng thoái hóa mỡ gan, lượng mỡ tích tụ trong gan > 5% trọng lượng gan. Gan nhiễm mỡ mãn tính thường do rượu, béo phì…, nếu sớm phòng trị có thể ngăn cản gan nhiễm mỡ phát triển thêm. Gan nhiễm mỡ cấp tính do thuốc, ngộ độc, thai nghén… tỷ lệ tử vong cao. Những người bị gan nhiễm mỡ đa phần không có triệu chứng. Chỉ khi tốc độ lắng mỡ trong gan xảy ra nhanh, gan lớn ra, bệnh nhân đau tức hoặc nặng vùng sườn phải, người bệnh mới quan tâm đi khám. Thông thường siêu âm hoặc chụp cắt lớp có thể chẩn đoán được gan nhiễm mỡ.
Điều trị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ trước tiên là phải điều tiết chế độ ăn uống, hạn chế chất bột, đường, giảm mỡ bão hòa từ động vật, tăng lượng rau tươi, hạn chế bia rượu, nước ngọt, tập thể dục đều đặn. Đồng thời, điều trị nguyên nhân cơ bản gây gan nhiễm mỡ như: giảm cân nếu thừa cân, béo phì, ngừng những thuốc gây độc cho gan, điều trị các bệnh đái tháo đường, viêm gan virut…
Để tránh bị máu nhiễm mỡ và gan nhiễm mỡ, cần có chế độ lao động, tập luyện thường xuyên, phù hợp, thực hiện chế độ ăn uống cân đối chất dinh dưỡng và hợp lý, quan tâm khám sức khỏe định kỳ, kiểm tra đường máu, mỡ máu 6 tháng một lần để được tư vấn, phát hiện sớm bệnh và điều trị kịp thời./.
(Sở Y tế)