Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý để phòng chống suy dinh dưỡng

07:03, 25/03/2011

Trong 6 tháng đầu sau khi sinh, trẻ chỉ cần bú mẹ là đủ. Từ tháng thứ 7, ngoài sữa mẹ, trẻ cần ăn thức ăn bổ sung (ăn sam, ăn dặm), để đáp ứng nhu cầu phát triển. Bữa ăn bổ sung của trẻ cần đầy đủ 4 nhóm thực phẩm: Nhóm cung cấp chất đạm: thịt, cá, tôm, cua, trứng, sữa, đỗ, lạc; nhóm cung cấp tinh bột: gạo, mỳ, khoai, ngô…; nhóm cung cấp chất béo: dầu, mỡ, vừng, lạc - là dung môi hòa tan các vitamin A, D, E, K nên rất cần cho mỗi bữa ăn của trẻ để phòng chống bệnh còi xương; nhóm cung cấp vitamin và chất khoáng: rau, quả.

Cần chú ý cho trẻ ăn từ lỏng đến đặc, từ ít đến nhiều, tập cho trẻ ăn nhiều loại thức ăn mới, chế biến thức ăn hỗn hợp giàu chất dinh dưỡng, sử dụng thực phẩm sẵn có ở địa phương. Tạo màu sắc hấp dẫn, mùi thơm và đủ vi chất để trẻ ăn ngon miệng. Khi chế biến cho trẻ ăn phải đảm bảo vệ sinh dụng cụ chế biến, rửa tay sạch trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn.

Có thể tham khảo cách tính bữa ăn cho trẻ cùng với bú mẹ đến 24 tháng tuổi như sau:

- Từ 5-6 tháng tuổi: Ăn thêm một bữa bột loãng và uống nước trái cây, sau tăng dần lên 2 bữa một ngày và nấu đặc dần.

- Từ 7-12 tháng tuổi: Bổ sung 3-4 bữa bột đặc trong ngày và trái cây nghiền nát.
- Từ 13-18 tháng tuổi: Bổ sung 3-4 bữa cháo, trái cây và tập cho trẻ ăn cơm nghiền nát.
- Từ 19-24 tháng tuổi: Bổ sung 3-4 bữa cơm nghiền nát và ăn trái cây. Tiếp tục cho trẻ bú đến 24 tháng tuổi.

- Từ 25 tháng tuổi trở lên: cho trẻ ăn như người lớn, ăn chung với gia đình, nhưng thức ăn của trẻ cần nấu mềm, và cho trẻ ăn thêm các bữa phụ./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông-GDSK
(Sở Y tế) 

 



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com