Trẻ em, nhất là trẻ sơ sinh, cơ thể chưa phát triển hoàn thiện nên đòi hỏi chế độ chăm sóc cẩn thận, đặc biệt là khi cho trẻ dùng thuốc.
Dạ dày trẻ sơ sinh chưa hoàn chỉnh, tiết dịch chưa đều, độ kiềm toan thường thay đổi. Nhu động ruột chưa ổn định, chức năng của dịch mật chưa đầy đủ…Vì vậy khả năng hấp thu thuốc ở trẻ sơ sinh rất thất thường, có loại hấp thu nhanh, có loại thuốc trẻ hấp thu chậm. Nếu đặt thuốc vào trực tràng (thuốc đạn), thuốc hấp thu trực tiếp vào cơ thể qua niêm mạc trực tràng sẽ tác dụng nhanh hơn uống, nên cẩn trọng dùng thuốc theo đường này ở trẻ sơ sinh. Đối với thuốc bôi ngoài da cũng dễ hấp thu, vì da trẻ mỏng, nên dễ gây kích ứng tại chỗ và toàn thân; cho nên tuyệt đối không được tự ý bôi thuốc cho trẻ khi chưa có ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Thuốc khi vào cơ thể thường gắn với một protein huyết tương của cơ thể để đi đến tế bào. Đối với trẻ sơ sinh sự gắn kết này rất kém, vì vậy thuốc ở dạng tự do (không gắn với protein) tăng lên, dẫn đến độc tính tăng theo… Khối lượng nước toàn phần, khối lượng nước ở ngoài khu vực tế bào của trẻ sơ sinh (tính theo tỷ lệ cân nặng) nhiều hơn ở người lớn, do vậy để đạt được nồng độ thuốc hữu hiệu như ở người lớn, trẻ sơ sinh phải dùng thuốc (theo cân nặng) lớn hơn. Ví dụ: liều dùng Gentamixin, tiêm bắp: người lớn 3mg/kg cân nặng/24 giờ. Trẻ sơ sinh: 5 -7,5mg/kg cân nặng/24 giờ.
Vì trẻ sơ sinh phát triển chưa hoàn chỉnh, hoạt tính của các men chuyển hóa kém, làm thuốc chậm thải trừ, do đó làm tăng tác dụng, độc tính của thuốc.
Cẩn thận với thuốc đào thải chậm như: Sunfamit, nhóm amino Glucozit… nên phải kéo dài thời gian qua mỗi lần dùng thuốc. Cần chú ý khi sử dụng các loại thuốc: uống Tetraxiclin ảnh hưởng đến răng, xương của trẻ. Uống Cloroxit ảnh hưởng đến tủy của trẻ em. Uống Quinin làm đắng sữa, làm trẻ bỏ bú.
Khi dùng thuốc, nhất là với trẻ em, tuyệt đối không tự ý dùng thuốc mà phải tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa./.
Nguồn: Trung tâm Truyền thông - GDSK