Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), hiện tại vẫn chưa có những thông tin bổ sung về khả năng phòng ngừa bệnh ung thư của beta-caroten và các loại caroten khác. Dân chúng không nên sử dụng những loại thuốc nói trên với mục đích phòng, chống ung thư. Phòng ngừa ung thư bằng rau xanh và trái cây vẫn là biện pháp có hiệu quả hơn cả so với bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào.
Việc báo động của WHO cũng rất dễ hiểu. Nhờ những công trình nghiên cứu nghiêm túc, người ta đã phát hiện ra rằng, các thực phẩm chức năng có chứa tiền vi-ta-min A caroten không những không có khả năng ngăn chặn, mà ngược lại còn làm cho bệnh ung thư phát triển mạnh hơn. Ví dụ, tỷ lệ đàn ông nghiện thuốc lá có sử dụng các caroten bị mắc ung thư phổi cao hơn những người hút thuốc mà không dùng tới loại vi-ta-min đó. Mặt khác, tỷ lệ tử vong vì các bệnh tim mạch ở những người sử dụng các thứ thuốc chứa caroten cũng cao hơn.
Theo các nhà khoa học: Mặc dù, vi-ta-rnin đóng vai trò rất quan trọng đối với quá trình trao đổi chất bên trong cơ thể. Khi các vi-ta-min bị thiếu hụt, hoạt động thể lực và trí lực có thể bị giảm sút, sức đề kháng của cơ thể cũng sẽ yếu đi, thậm chí còn xuất hiện một số bệnh tật. Thế nhưng, sử dụng bổ sung các loại vi-ta-min và các chất khoáng cần phải có mức độ. Liều lượng sử dụng nhiều hay ít là vấn đề có tính riêng biệt, tuỳ thuộc vào lối sống, khẩu phần ăn uống, tình trạng sức khoẻ của từng người và vô số những nhân tố khác. Vi-ta-min chưa phải là thần dược chữa ung thư và giúp kéo dài tuổi thọ. Để sống khoẻ, có ích mỗi người nên có lối sống lành mạnh, biết nói không với rượu, bia, thuốc lá và đa dạng hoá ăn uống là biện pháp tốt nhất bổ sung nhu cầu vi-ta-min cho cơ thể./.
Bác sĩ Quốc Tuấn