Viêm gan vi-rút B (VGB) là bệnh có thể mắc ở mọi lứa tuổi, diễn biến của bệnh tuỳ thuộc vào bị nhiễm vi-rút viêm gan B ở lứa tuổi nào. Thường ở tuổi trưởng thành thì có khoảng 90% là tự khỏi, còn lại 10% có thể chuyển sang mãn tính. Nếu bị nhiễm ở lứa tuổi nhỏ, khả năng chuyển sang mãn tính rất cao, có nghĩa là vi-rút viêm gan B sẽ tồn tại trong cơ thể suốt đời vì cơ thể không đủ sức loại bỏ vi-rút đó. Đây là cơ sở khoa học vì sao trẻ cần tiêm ngừa vắc-xin viêm gan B ngay sau khi sinh. Đối với người bị viêm gan B chuyển sang mãn tính, phần lớn vẫn ổn định và gan cũng ít bị huỷ hoại, chỉ có khoảng 20% có nguy cơ chuyển sang xơ gan. Thời gian từ lúc mắc viêm gan B đến khi xơ gan tuỳ thuộc vào từng người, vào chế độ sinh hoạt, điều trị và dinh dưỡng. Người bị viêm gan B mãn tính phần lớn không có triệu chứng. Bệnh nhân vẫn cảm thấy bình thường mặc dù gan bị huỷ hoại ngày một nặng hơn. Một số bệnh nhân chỉ thấy mệt mỏi, ăn uống kém. Vì vậy người mắc viêm gan B cần có một chế độ nghỉ ngơi, ăn uống hợp lý, không cần phải kiêng quá mức mà cần ăn uống đủ chất để có năng lượng cần thiết giúp gan phục hồi nhanh và có thể mau lấy lại sức. Không nên ăn các chất có nhiều cholesterol như óc, tim gan lợn, lòng lợn, lòng đỏ trứng gà vì sự bài tiết mật có thể bị giảm hoặc tắc. Cần ăn nhiều hoa quả, rau để cung cấp các chất khoáng, vitamin, bỏ hẳn bia, rượu. Cần thận trọng khi dùng thuốc, nhất là các thuốc gây độc cho gan như thuốc an thần, kháng viêm, giảm đau.
Viêm gan B thường lây qua đường tình dục nhưng nếu được tiêm ngừa hiệu quả thì có thể phòng bệnh. Phụ nữ viêm gan B vẫn có thể có con, việc lây truyền viêm gan B chỉ xảy ra trong lúc sinh hoặc ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, người mẹ vẫn có thể sinh con bình thường và phải tiêm ngừa viêm gan B cho trẻ ngay sau khi sinh./.
( Sở Y tế)