Nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện ở Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh

10:12, 17/12/2010

Từ đầu năm đến nay, Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh đã cai nghiện bắt buộc cho 65 người, cai nghiện tự nguyện cho 46 người. Cả 2 đối tượng cai nghiện tự nguyện và cai nghiện bắt buộc tại trung tâm đều bảo đảm cắt cơn, phục hồi sức khỏe trước khi hòa nhập cộng đồng.

Để nâng cao hiệu quả điều trị cai nghiện, trung tâm coi trọng ngay từ khâu tiếp nhận đối tượng. Học viên vào chữa bệnh tại trung tâm trước hết phải qua phòng tư vấn để được tư vấn cai nghiện. Tại đây, cán bộ phụ trách sẽ tìm hiểu tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học viên, phân loại theo từng nhóm đối tượng để thuận tiện cho công tác quản lý, giáo dục, đồng thời hướng dẫn các học viên tự nguyện cam kết thực hiện tốt các nội quy, quy định của trung tâm.

Các học viên tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh học và làm nghề đan xuất khẩu.
Các học viên tại Trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội tỉnh học và làm nghề đan xuất khẩu.

Giai đoạn điều trị chăm sóc sức khỏe được xác định là khâu mang tính quyết định hiệu quả cai nghiện được trung tâm thực hiện chặt chẽ bằng việc kiểm tra sức khỏe ban đầu. Trên cơ sở tình trạng sức khỏe, mức độ sử dụng ma túy của mỗi đối tượng, cán bộ y tế của trung tâm lập hồ sơ bệnh án và có phác đồ điều trị phù hợp. Hiện tại, trung tâm áp dụng biện pháp chữa trị cắt cơn theo phác đồ “An thần kinh” do Bộ Y tế ban hành. Thời gian điều trị cắt cơn trung bình từ 7-10 ngày và thời gian điều trị phục hồi là 20 ngày. Phương pháp điều trị được áp dụng theo đúng quy trình nên trong quá trình điều trị không để xảy ra sai sót về chuyên môn, giúp các đối tượng cắt cơn và nhanh chóng phục hồi sức khỏe. Sau khi điều trị cắt cơn, điều trị phục hồi, các học viên đều tăng cân, tinh thần ổn định và tham gia lao động nhẹ. Do số học viên vào cai nghiện bị nhiễm HIV/AIDS cao, chiếm gần 50%, tâm lý ban đầu của các đối tượng khi mới vào trung tâm thường không ổn định, có thái độ bất cần nên cán bộ y tế và cán bộ quản lý học viên gặp không ít khó khăn trong quá trình quản lý và điều trị. Bằng các biện pháp chăm sóc y tế và dùng tình cảm để động viên, thuyết phục, trung tâm đang tiếp tục điều trị ARV (chương trình điều trị HIV miễn phí) cho 10 đối tượng nhiễm HIV/AIDS và tiếp tục tiến hành thủ tục cho 6 đối tượng đủ điều kiện vào điều trị ARV theo quy định.

Cùng với công tác điều trị, chăm sóc sức khỏe, công tác giáo dục chính sách pháp luật, đạo đức, lối sống cũng được trung tâm coi trọng. Trong quá trình chữa trị, các học viên được cán bộ trung tâm giáo dục về chính trị tư tưởng, đạo đức, lối sống, được tư vấn các vấn đề về kiến thức pháp luật và những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về phòng chống tệ nạn xã hội, nghĩa vụ và trách nhiệm của công dân cho các học viên. Tổ chức tập huấn chuyên đề về nguy cơ lây nhiễm và cách phòng chống HIV/AIDS cho hơn 100 học viên tại trung tâm. Sắp xếp cho học viên sinh hoạt theo tổ, nhóm, đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy chế để sớm phát hiện những biểu hiện sai phạm và có biện pháp giáo dục, ngăn chặn kịp thời giúp học viên thay đổi nhân cách, tích cực tham gia lao động rèn luyện sức khỏe. Do đặc thù các học viên có nhiều phức tạp về tâm lý cũng như các mối quan hệ xã hội khác nên công tác bảo đảm an ninh trật tự được chú trọng. Trung tâm đã xây dựng các phương án, kế hoạch phòng chống thẩm lậu ma túy, các chất kích thích; phòng chống gây rối, chống phá và bỏ trốn, tăng cường các biện pháp quản lý học viên 24/24 giờ. Thực hiện nghiêm chế độ “3 kiểm” là kiểm danh, kiểm diện và kiểm tra; không để học viên vi phạm và đưa các đồ vật cấm vào khu nhà ở; kiểm soát chặt chẽ người ra vào trung tâm. Thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương trong công tác bảo vệ và bảo đảm an toàn ngay từ khu vực bên ngoài. Xác định việc dạy nghề, tạo việc làm cho học viên là điều kiện có yếu tố quyết định thành công trong công tác điều trị cai nghiện, chống tái nghiện, trung tâm đã tổ chức dạy nghề ngay khi học viên vừa phục hồi nhằm giảm thời gian nhàn rỗi, tạo biện pháp tâm lý làm thay đổi nhận thức, sửa đổi hành vi của học viên. Bằng cách phối hợp với các đơn vị sản xuất kinh doanh, trung tâm đã tổ chức dạy các nghề đan chiếu trúc, đan sọt bằng bẹ chuối xuất khẩu góp phần tạo thêm nguồn thu nhập, nâng cao đời sống cho học viên.

Theo Giám đốc Trung tâm Đỗ Hòa Trung, thời gian qua, mặc dù hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra trong công tác điều trị cai nghiện, nhưng trên thực tế trung tâm còn gặp khó khăn về đội ngũ, cơ sở vật chất, trang thiết bị và phương tiện phục vụ chuyên môn. Ngoài mức trợ cấp cho đối tượng chữa bệnh, cai nghiện áp dụng tại trung tâm là quá thấp so với mặt bằng giá cả, thị trường thì việc dạy nghề, tạo thêm việc làm để học viên có điều kiện tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống sau cai nghiện còn gặp khó khăn. Để công tác điều trị cai nghiện đạt được hiệu quả hơn nữa, đề nghị các cấp, ngành chức năng quan tâm hỗ trợ trung tâm khắc phục những khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao./.  

Bài và ảnh: Văn Trọng



BÁO NAM ĐỊNH ĐIỆN TỬ

Giấy phép số: 136/GP-BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 17/3/2022.

Tổng biên tập: Phạm Văn Trường

Phó Tổng biên tập: Trần Vân Anh, Nguyễn Thị Thu Thủy

Tòa soạn: Số 68 Trần Phú, TP Nam Định, tỉnh Nam Định

Điện thoại: 0228.3849386; Email: toasoanbnd@gmail.com