Trong những năm gần đây, bệnh viêm gan siêu vi B đã trở thành vấn đề quan tâm của ngành Y tế. Bệnh do vi rút Hepatitis B gây nên và lây truyền qua đường tiếp xúc với máu, chế phẩm của máu, lây truyền qua đường tình dục, lây truyền từ mẹ sang con… Bệnh thường tiến triển qua 4 giai đoạn: Giai đoạn ủ bệnh từ 1 đến 4 tháng, bệnh có thể có các biểu hiện lâm sàng như giả cúm, sốt 38-39oC kèm theo đau đầu, đau cơ khớp, chán ăn, buồn nôn, đau vùng thượng vị, triệu chứng thường gặp nhất là mệt mỏi và suy nhược. Giai đoạn 2 là giai đoạn vàng da kéo dài 2 đến 6 tuần, vàng da xuất hiện tăng dần, nước tiểu sậm màu và tiểu ít. Giai đoạn 3 gan to, lách to và đau, bệnh nhân tiểu nhiều, ăn ngon miệng, khoẻ hơn, vàng da biến mất nếu không điều trị kịp thời bệnh có thể tiến triển nặng hơn, bệnh nhân suy sụp, vàng da, vàng mắt, tắc mật, biểu hiện rối loạn tri giác, xuất huyết tiêu hoá, nôn ói, đau bụng nhiều, gan teo nhỏ, bệnh thường dẫn đến tử vong. Ở thể viêm gan siêu vi B mãn tính, bệnh thường ít biểu hiện triệu chứng đặc biệt, đa số bệnh nhân có biểu hiện mệt mỏi, suy nhược nhưng không thường xuyên, diễn biến âm thầm kéo dài nhiều năm dẫn đến ung thư hoặc xơ gan.
Viêm gan siêu vi B hiện nay là mối quan tâm chung của toàn nhân loại, việc điều trị đặc hiệu hiện đang được các nhà khoa học tiếp tục nghiên cứu. Vì vậy việc phòng, chống viêm gan siêu vi B hiện nay vẫn thực hiện chiến lược phòng bệnh là chủ yếu theo hướng kiểm soát nguồn lây bằng cách chống xâm nhập vi rút siêu vi B qua da, niêm mạc, bảo đảm tiệt trùng khi thực hiện các thủ thuật như tiêm chích, châm cứu, dụng cụ xỏ lỗ tai, phẫu thuật, tránh tiếp xúc với dịch tiết cơ thể, với máu nhiễm siêu vi B. Tránh dùng chung vật dụng như dao cạo, bàn chải đánh răng, kìm cắt móng tay… chỉ truyền máu khi thật cần thiết. Tạo miễn dịch chủ động bằng cách tiêm phòng cho bản thân và gia đình, tiêm đúng thuốc, đủ liều và đúng thời gian./.
Nguồn: Trung tâm truyền thông - GDSK
(Sở Y tế)