Với hơn 85 triệu dân, tổng giá trị tiền thuốc mà người dân nước ta sử dụng một năm vượt qua con số một tỷ USD. Thị trường dược phẩm Việt Nam đang được đánh giá là có tiềm năng, còn nhiều cơ hội cho các hãng, công ty dược phẩm phát triển. Nhất là đối với công ty nước ngoài khi còn tới 50% tổng giá trị tiền thuốc ở thị trường Việt Nam và 90% nguyên liệu để sản xuất thuốc trong nước là nhập khẩu. Chính vì vậy, thị trường dược phẩm Việt Nam vẫn còn phải phụ thuộc nước ngoài.
Theo đánh giá của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường dược phẩm Việt Nam tương đối ổn định. Nhưng thực tế nó đang ổn định ở mức cao. Có những loại thuốc được bán cao hơn nhiều so với giá trị thật của nó, mà chủ yếu lại rơi vào những thuốc chuyên khoa, đặc trị phải nhập khẩu. Kết quả các cuộc thanh tra, kiểm tra đã nói lên điều đó. Nguyên nhân chính làm cho giá những loại thuốc đó tăng cao là "đường đi" quá lòng vòng, qua nhiều tầng nấc trung gian. Và rồi người bệnh chịu thiệt, khi phải mua một sản phẩm không có sự lựa chọn, không được mặc cả, ở cái giá trên trời! Mới đây, khi báo chí phản ánh giá nhiều loại thuốc "phi mã", Bộ Y tế cho thành lập hai đoàn kiểm tra. Kết quả cho thấy, trong số bốn loại được kiểm tra, thì có hai loại đúng như báo chí phản ánh.
Hơn lúc nào hết, các ngành chức năng phải ra tay, kéo giá thuốc xuống đúng giá trị thật của nó. Dẫu biết rằng việc quản lý giá thuốc cũng phải theo quy luật của kinh tế thị trường. Nhưng việc rút ngắn "đường đi" của viên thuốc là nằm trong tầm tay của nhà quản lý. Thật mừng khi cơ quan quản lý đang dự định tập trung kiểm soát giá từ 100 đến 200 hoạt chất có số lượng người sử dụng lớn, điều trị những bệnh thiết yếu nhất, chứ không kiểm soát tất cả các mặt hàng như hiện nay. Nhóm thuốc được quản lý giá sẽ bị áp đặt thặng số lãi, chia thặng số lãi trần từ nhập khẩu đến bán buôn, bán lẻ. Như vậy sẽ kiểm soát giá từ nhập khẩu đến bán lẻ, thay vì chỉ kiểm soát đến bán buôn như hiện nay. Áp đặt thặng số qua từng khâu, tầng nấc mua bán trung gian, lòng vòng đẩy giá cao tự nó sẽ thu gọn. Bộ Y tế sẽ báo cáo Chính phủ xây dựng một nghị định riêng hướng dẫn về đấu thầu thuốc... Như vậy, đường đi của viên thuốc sẽ ngắn lại.
Một lỗ hổng trong việc kê khai giá khiến giá thuốc bị đẩy lên cao cũng cần có giải pháp khắc phục. Thuốc nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kê khai giá CIF (giá nhập tại cửa khẩu). Cách làm đó tưởng như là hiệu quả, nhưng thực tế lại khác. Các doanh nghiệp khi nhập khẩu chỉ cần khai báo giá CIF mà không được kiểm chứng, nên nhiều loại đã bị "làm giá" ngay từ nhà sản xuất, nâng giá trị viên thuốc lên vài chục, thậm chí cả trăm phần trăm. Đến khi hậu kiểm, phát hiện sai phạm thì thuốc đó đã hết thời hạn sử dụng... Điều đó đòi hỏi các cơ quan có liên quan cần có sự phối hợp chặt chẽ để giám sát, có chế tài xử lý nghiêm để bình ổn giá thị trường thuốc trong nước./.
MINH HOÀNG