Ảnh: Minh họa |
Một sự thật hiển nhiên là cận thị sẽ làm nẩy sinh bao bất tiện cho hoạt động của các em, đặc biệt các hoạt động đó diễn ra đêm tối hay trong thời tiết xấu. Loại trừ yếu tố bẩm sinh, nguyên nhân dẫn đến bệnh cận thị và sự tăng lên của bệnh cận thị là do học tập, làm việc thiếu ánh sáng, tư thế ngồi học sai lệch; ngồi xem tivi, ngồi máy tính quá gần và quá lâu; khi bị cận thị nhẹ không được phát hiện kịp thời hoặc cố tình không sử dụng kính cận làm cho tình trạng cận ngày càng tăng... Các nguyên nhân cơ bản đó đã được các nhà nghiên cứu khuyến cáo nhiều lần trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều bậc phụ huynh, người lớn đã biết. Ở một số nhà trường, các thầy cô giáo cũng được trang bị kiến thức cơ bản về phòng, chống cận thị ở học sinh... nhưng sự chủ động vào cuộc của các em, đặc biệt là các bậc cha mẹ, thầy cô chưa thực sự được chú trọng và hiệu quả.
Với các em học sinh còn nhỏ, khi chưa có ý thức tự giác phòng ngừa, giữ gìn "cửa sổ tâm hồn" khỏi bệnh cận thị thì lỗi trước hết thuộc về người lớn - các bậc làm cha, làm mẹ, các thầy, cô giáo. Nói cách khác, gia đình, nhà trường và xã hội cần có những hành động cụ thể để hạn chế thấp nhất bệnh cận thị ở các em. Theo đó cần giáo dục nâng cao nhận thức cho các em, quan tâm đến tư thế ngồi học, ánh sáng đèn học, đèn thắp sáng trong gia đình... và không để các em quá ham xem tivi hay ngồi máy tính với cự ly quá gần và quá lâu. Hãy biến ý thức tự giác của các em thành những biện pháp phòng ngừa cụ thể, nhằm hạn chế bệnh cận thị học đường./.
Bùi Văn Mạnh